Bỏ mức lương cao đi làm “bác sĩ” không công
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, anh Giang được ông bà, cha mẹ dạy cho những bài học đầu đời bằng sự giáo huấn nghiêm khắc, sự cần cù, chịu thương, chịu khó của anh Bộ đội Cụ Hồ đã thấm nhuần trong máu thịt. Sống ở vùng quê nghèo chuyên trồng lúa, mía nhưng năm nào cũng thất bát, người dân luôn quanh quẩn với những lần được mất của vụ mùa nên với suy nghĩ sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất, giúp nông dân có lợi nhuận trên mảnh đất của mình, Nguyễn Tiền Giang đã thi vào Trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) chuyên ngành Công nghệ sinh học. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, anh Giang chọn vào làm trong một công ty lớn để có thể vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Trong quá trình làm việc, ước mơ và suy nghĩ cách để “thay máu”, thay đổi tư duy canh tác cho nông dân vẫn luôn ấp ủ trong anh. Tháng 10-2016, quyết tìm hướng đi riêng nên Giang cùng những người bạn đã xin nghỉ việc với mức lương cao để cho ra đời Công ty “Agri - hospital” (tạm dịch là “Bệnh viện nông nghiệp”) - đây là tất cả tâm huyết mà các chàng trai trẻ đầu tư vào đấy cả vật chất, tinh thần, niềm tin và hoài bão.
Những chàng trai được cho là “dị nhân” gồm có: Nguyễn Tiền Giang (SN 1989), Phạm Thanh Sang (SN 1990) và Ngô Văn Nhiều (SN 1991) và Lê Hoàng Vũ (SN 1986). Những thanh niên thế hệ 8x, 9x đều tốt nghiệp Đại học với các chuyên ngành khác nhau như: Công nghệ sinh học, Bảo vệ thực vật và Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thế nhưng, các thanh niên này đều có chung một cái “tâm”, đó là giúp nông dân tìm hướng đi mới, khoa học, con người sẽ có lương thực an toàn và cuộc sống khỏe mạnh và ý nghĩa. Chia sẻ về những việc làm của mình, anh Nguyễn Tiền Giang – Giám đốc Công ty "Bệnh viện nông nghiệp" cho biết, việc chọn con đường “thay đổi tư duy canh tác của nông dân” không đơn giản chút nào, nhưng với cùng chí hướng và quyết tâm nên tất cả anh em cùng đồng lòng thực hiện, mặc dù thời gian đầu chẳng ai có được đồng lương nào để nuôi vợ con.
Bác sĩ nông nghiệp cùng nông dân thăm đồng, sản xuất gạo sạch.
Cái tên đã “độc và lạ” nhưng cách làm lại càng làm người khác khó tin hơn khi "Bệnh viện nông nghiệp" không thu phí “khám bệnh” và tư vấn “miễn phí” qua điện thoại cho nông dân gần xa, giúp nông dân có thêm kiến thức trong quản lý dịch hại. Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà sử dụng đúng lúc, đúng liều và đúng cách để nâng cao lợi nhuận kinh tế, tạo nên hướng sản xuất bền vững trong nông nghiệp. Ban đầu chẳng ai dám tin nên công tác vận động, tiếp cận nông dân cũng không dễ dàng. Lão nông Nguyễn Thiện Nhân ngụ ấp 2, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), có hơn 20 năm kinh nghiệm trong canh tác trồng lúa và cũng là người “mở hàng” cho hoạt động của "Bệnh viện nông nghiệp". “Sản xuất nông nghiệp phải hướng đến lợi nhuận kinh tế, giảm chi phí và hơn hết phải tạo được sản phẩm an toàn không gây độc hại cho con người và môi trường xung quanh. Nếu không có nhận thức đúng đắn thì sẽ không thể tạo được môi trường sống xanh” - ông Nhân chia sẻ.
Vượt ngàn gian khó để chứng minh cách làm
Để “chứng minh” những việc mình làm hữu ích và có lợi cho nông dân, bảo vệ môi trường và trên hết là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam an toàn, chất lượng cao. Những thứ đó không hề dễ dàng chút nào, bởi nông dân miền Tây, nhất là nông dân trồng lúa lại càng khó khăn hơn khi kêu họ phải thay đổi phương thức, tập quán sản xuất. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với họ có thể nói là chuyện “không thể” nào thực hiện được. Nhưng bằng lòng tin, nghị lực làm thật, hiệu quả thật của đội ngũ "bác sĩ" của "Bệnh viện nông nghiệp" nên một số nông dân đã bắt đầu áp dụng phương pháp sản xuất lúa hữu cơ.
Tham gia sản xuất lúa hữu cơ, nông dân phải áp dụng phương thức sạ hàng hoặc lúa cấy, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và sản phẩm làm ra từng bước an toàn với người tiêu dùng và xuất khẩu. Nông dân còn được hưởng lợi từ mô hình bởi nông dân sẽ được nhân viên kỹ thuật của "Bệnh viện nông nghiệp" hướng dẫn cánh nhận dạng sâu bệnh, lượng phân cân đối trên cây lúa. Điều quan trọng là nông dân được định hướng thay đổi dần cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật truyền thống một cách vô tư, không khoa học. Ông Trần Văn Ny, ngụ ấp 4, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ chia sẻ, việc áp dụng sản xuất lúa hữu cơ chú trọng việc giảm giá thành bằng cách giảm giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật và số lần phun thuốc trừ rầy, sâu bệnh để hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo.
Song song đó, đội ngũ kỹ thuật viên của "Bệnh viện nông nghiệp" thường xuyên phối hợp với nông dân kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn, tư vấn cánh xử lý sâu bệnh hại. Anh Phạm Thanh Sang - Phó giám đốc Công ty "Bệnh viện nông nghiệp" cho biết thêm, điều quan trọng là giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống bón nhiều phân, thuốc làm tốn chi phí mà không mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa, gạo. Định kỳ 1 - 2 tuần sẽ kiểm tra đồng ruộng cùng nông dân, tư vấn cách phòng trừ, điều quan trọng là cho nông dân chọn cách thực hiện hợp lý không áp đặt một quy trình nào, sản phẩm phân thuốc cũng do nông dân tự cho lấy, thấy phù hợp với ruộng và giá thành thì áp dụng vào đồng ruộng.
Chất lượng và phẩm chất lúa gạo được kiểm tra kỹ lưỡng.
Đồng thời, sản phẩm lúa gạo làm ra sẽ được bao tiêu 100% sản lượng với giá bằng với giá thị trường và từng bước phát triển diện tích, nâng dần hiệu quả cho nông dân trong quá trình sản xuất. Với cách thức trên sẽ dần hình thành những mô hình canh tác, những cánh đồng mẫu lớn với quy mô sản xuất lớn, giảm được rủi ro trong quá trình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận. Ông Lâm Văn Thái ngụ ấp 4, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng cho biết, sản xuất được bao tiêu, nông dân không sợ bị thương lái ép giá, tư vấn sử dụng thuốc đúng lúc, điều cách, đúng liều lượng sẽ giúp nông dân giảm được chi phí xem như tăng thêm một phần lợi nhuận.
“Quả ngọt” từ những gian lao
Điều gây “ấn tượng” cho nông dân huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) - đó là những chàng trai của "Bệnh viện nông nghiệp" đã “cứu” hơn 200 héc ta lúa cao sản đang vào giai đoạn trổ chín bị “vi khuẩn lạ” tấn công, dù đã sử dụng nhiều loại sản phẩm trên thị trường nhưng vẫn không khỏi. Hơn 2 ngày nghiên cứu, đội ngũ “bác sĩ” của "Bệnh viện nông nghiệp" đã “thức trắng đêm” để tìm nguyên nhân và giúp nông dân tránh thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Sau nhiều vụ thắng lợi lớn, giảm được giá thành sản phẩm từ 1-1,5 triệu đồng/ha, không những thế, lúa sạch bệnh, phẩm chất cũng đạt yêu cầu hơn; từ đó, “tiếng lành đồn xa”, "Bệnh viện nông nghiệp" không còn xa lạ với nông dân mà trở thành nơi tin cậy để nông dân đến học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm làm lúa.
Bằng lòng kiên trì, nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn thay đổi lớn về lúa gạo Việt Nam, những chàng thanh niên thế hệ 8X, 9X đã khẳng định cách làm đúng đắn của mình với nông dân. Hiện tại, Công ty "Bệnh viện nông nghiệp" đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích hơn 1.500ha tới hơn 400 hộ nông dân tham gia sản xuất. Chủ yếu ở các nơi như: huyện Tân Hưng (Long An); Thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (Đồng Tháp) và huyện Châu Thành, Càng Long (Trà Vinh). Anh Nguyễn Tiền Giang - Giám đốc "Bệnh viện nông nghiệp" cho biết, mục đích thay đổi nhận thức canh tác bây lâu nay và giải quyết bài toán chất lượng lúa gạo của Việt Nam kém hơn so với các nước bạn, nhưng gian khó đã qua và con đường mà cả tập thể anh em chọn đã đúng hướng và sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, nhân diện tích giúp nông dân từng bước hiện đại theo kịp với sản xuất lúa gạo quốc tế.
Từ cách làm hay và nhiều năm liền cho ra chất lượng và phẩm chất gạo tốt, quá trình sản xuất được tuân thủ các nguyên tắc kiểm định chất lượng nghiêm ngặt như: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên gạo; quy trình sản xuất, nhật ký đồng ruộng; kiểm tra chất lượng về độ thuần, lẫn tạp…, đã giúp "Bệnh viện nông nghiệp" ký kết xuất khẩu lúa gạo sang châu Âu thông qua các công ty liên kết tiêu thụ với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn/năm, thu về lợi nhuận cho nông dân hàng trăm triệu đồng.
Với cách nghĩ, cách làm của mình, các “bác sĩ" của "Bệnh viện nông nghiệp” đã từng bước chinh phục những thành công và giúp nông dân có cách nhìn đúng đắn về sản xuất lúa hiện nay. Hành trình “thay máu” cho nông dân của những “bác sĩ nông nghiệp” vẫn sẽ còn tiếp bước và đích đến cuối cùng là khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam với quốc tế.
CHÍ TRUNG - (qdnd.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)