Miền Tây quay quắt trong "bão khô"

Thứ hai, 23 Tháng 3 2020 23:32 (GMT+7)
Dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch bệnh Covid-19 nhưng "dư chấn" của nó đang làm vùng ĐBSCL thêm chồng chất khó khăn
 
Đường phố đã lên đèn mà bà Hạnh vẫn loay hoay ở chợ đêm Bạc Liêu, chưa về nhà lo bữa cơm chiều như lệ thường. Mấy người bạn bán hàng rong cũng vậy, họ cố nán lại để kiếm được đồng nào hay đồng đó.
 
Chật vật mưu sinh
 
Những mâm bánh nóng hổi mang ra chợ từ sáng sớm giờ đã lạnh tanh mà chưa vơi được 1/3. Cả cái chợ đêm sầm uất ngày nào giờ người bán nhiều hơn người mua, bàn ghế trống huơ trống hoác. Vài chủ hàng quán hiện rõ nét đăm chiêu, ngồi lặng thinh, chẳng màng nấu nướng, cũng chẳng thèm tranh mời khách như mọi hôm.
 
Thật ra thì cũng có ai đâu để mà chèo kéo. "Từ lúc dịch Covid-19 hoành hành, người ta ngại lui tới nơi đông đúc nên buôn bán ế ẩm quá. Tôi dọn ra bán theo thói quen chứ có bán được gì đâu, chỉ bán chút ít cho khách lỡ đường, còn dư thì mang về ăn thay cơm chiều. Có người bán lỗ vốn phải dẹp tiệm đi kiếm đường làm thuê để sống và trả nợ. Nhưng lúc này đâu đâu cũng khó khăn thì biết có ai thuê?" - bà Hạnh thở dài.
 
Ở các khu chợ nông sản và thực phẩm, dù trời đã tối nhưng nhiều tiểu thương vẫn chưa thu dọn về nghỉ ngơi vì hàng hóa vẫn còn đầy ắp. Nghĩa là nồi cơm của họ cũng sẽ vơi đi.
 
"Buôn bán ế ẩm nên buồn và tiếc mà ngồi vậy chứ tôi biết giờ này cũng có ai mua nữa đâu. Chỉ có mấy mươi ngày thôi mà mọi chuyện thay đổi nhanh quá. Nếu trước khi xảy ra dịch bệnh bán được 10 phần thì bây giờ còn 2-3 phần, càng ngày càng giảm. Giờ chưa nghĩ ra sẽ làm việc gì, chứ bán kiểu này lỗ vốn chắc cũng chết" - chị Hương (tiểu thương bán thịt ở chợ nông sản thực phẩm phường 2, TP Bạc Liêu) than thở.
 
Những người lao động tự do như ông Trần Vĩnh Phước ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cũng không ngoại lệ. Ông cho biết trước đây, mỗi ngày bán được 200-300 tờ vé số, thu nhập vài trăm ngàn đồng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ông cố gắng đi xa hơn, về muộn hơn nhưng cả ngày bán không hết 100 tờ. Thu nhập giảm sút nhưng tiền thuê nhà, điện, nước vẫn tăng đều nên cuộc sống gia đình dần bế tắc, bắt đầu phải vay nợ.
 
"Do sợ dịch bệnh nên nhiều người hạn chế ra đường làm cho các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu... ngày càng vắng khách. Trong khi dân bán vé số dạo như tôi thì phải dựa vào mấy chỗ này kiếm sống. Ngoài ra, thu nhập chung của ai cũng bị ảnh hưởng nên mọi người chi tiêu tiết kiệm hơn và hạn chế mua vé số" - ông Phước phân trần.
 
Miền Tây quay quắt trong bão khô - Ảnh 1.
 
Chợ đêm Bạc Liêu - nơi mưu sinh của nhiều người dân nghèo - giờ vắng vẻ bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Khó khăn chồng chất
 
Không ít người dân vùng sông nước miền Tây an ủi nhau rằng nhờ hạn hán gay gắt nên nơi đây không có đất sống cho virus corona chủng mới.
 
Dù sao đó cũng là một liều thuốc tinh thần giúp người ta lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn để vượt qua những "cơn bão khô" đang càn quét qua vùng đất này. Còn ở góc độ kinh tế thì rõ ràng là ĐBSCL đang khó khăn chồng chất.
 
Trong hoàn cảnh vừa phải căng mình chống thiên tai vừa dè chừng thiên dịch, nếu cả hai không sớm kết thúc thì e rằng "vựa lúa miền Tây" sẽ rất nguy nan. Mà đối tượng bị tổn thất nhiều nhất và trực tiếp nhất không ai khác là nông dân.
 
Cà Mau có lẽ là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực trong mùa hạn mặn lịch sử năm nay. Sản xuất thiệt hại, người dân nhiều nơi không có nước sinh hoạt, cùng hàng loạt tuyến đường giao thông sụt lún nghiêm trọng.
 
"Hồi đó tới giờ mới chứng kiến cảnh tượng này, vết nứt giờ ăn sâu vào trong nhà. Thiên nhiên giờ trở chứng bất thường không biết đâu mà lần" - ông Lê Văn Kết (lão nông ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lo lắng ngôi nhà của mình có thể bị kéo xuống dòng kênh cạn nước bất cứ lúc nào.
 
Bà chủ bán hàng xén Nguyễn Thị Nhung ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, nhìn chiếc ghe nằm mắc cạn giữa lòng kênh trơ đáy mà hét lên như muốn khóc: "Giờ lấy gì mà kiếm ăn đây? Trời ơi!". Còn hàng trăm chiếc ghe hàng khác của hàng ngàn nhân khẩu sống kiếp thương hồ vẫn còn nằm rải rác đâu đó trên các con sông đã kiệt nước của khắp vùng sông nước cũng chịu chung số phận. Đó cũng là sinh kế duy nhất, đồng thời là nơi trú ngụ của hàng ngàn con người phiêu dạt.
 
Hàng triệu lao động làm thuê khắp nơi trong nước cùng hàng chục ngàn lao động xuất khẩu có xuất xứ miền Tây cũng đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành. Số lao động này nếu mất việc quay về sẽ là gánh nặng và áp lực rất lớn cho các gia đình ở nông thôn.
 
"Cơn bão khô" vẫn đang càn quét vùng đất Cửu Long và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. 
 
Cây quéo đọt, ruộng khô cằn
ĐBSCL từng chịu nhiều tổn thất từ mấy năm nay, vì lũ về thất thường làm đảo lộn sinh kế của người dân vùng nước nổi và khiến đồng, đất mất sức sống khi không được bồi tụ thêm lớp phù sa mới. Nước ngọt không gột rửa được đồng bằng nên vào mùa hạn thì khô khốc, nước mặn xâm nhập sâu trong nội địa.
Những vườn cây ăn trái quéo đọt, ruộng đồng khô cằn, nứt nẻ; lúa mùa "chạy" không kịp hạn mặn, trân mình cháy gié; người dân một số nơi phải đi đổi từng can nước, xài chắt chiu mà vẫn khát... chính là những hình ảnh khái quát về bức tranh của nông thôn miền Tây lúc này.
 
DUY NHÂN Theo - (nld.com.vn)
T/H: M.Phúc - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống