Tôm Cà Mau lao đao vì dịch bệnh

Thứ hai, 30 Tháng 3 2020 08:10 (GMT+7)
Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đang giảm sâu chưa từng thấy trong gần hai năm trở lại đây. Tình cảnh trên khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan…
 
Tôm Cà Mau lao đao vì dịch bệnh
 
Hoạ vô đơn chí
 
Mùa này, nông dân các huyện vùng mặn phía Nam của tỉnh Cà Mau bắt đầu thu hoạch vụ tôm đầu tiên trong năm. Trên những cánh đồng tôm mênh mông nước ở huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước…, những chiếc quạt nước vẫn quay đều để cung cấp ôxy cho những ao tôm đến lứa thu hoạch. Tuy nhiên, thương lái chẳng ngó ngàng thu mua.
 
Trường hợp của ông Trần Minh Đương, ngụ ấp Tân Long B, xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi) là một thí dụ. Ông Đương nuôi năm ao tôm thẻ theo hình thức siêu thâm canh (mỗi ao từ 1.000-1.200 m2) và hiện có hai ao đã qua giai đoạn ba tháng, đến lứa thu hoạch, đạt kích cỡ khoảng 50 con/1kg. Mấy ngày nay, ông Đương điện thoại kêu thương lái vô mua tôm nhưng vẫn bặt vô âm tính. Ông Đương bức xúc: “Mọi khi tôm có giá, thương lái vô nài nỉ, thậm chí đặt trước tiền cọc để mình bán cho họ. Nhưng giờ giá tôm giảm sâu, họ hứa lần hứa lữa chẳng thèm vô mua. Kiểu này hổng biết bán tôm cho ai luôn, còn để lại thì lấy tiền đâu trả nợ cho đại lý thức ăn, thuốc thủy sản”.
 
Cùng tình cảnh trên, ông Hà Văn Hùm (ngụ ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi), có 1/3 ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đến kỳ thu hoạch nhưng gặp cảnh giá rẻ như cho. Bấm đốt ngón tay, ông Hùm nhẩm tính, so với cách nay gần một tháng, giá tôm thẻ công nghiệp hiện đã giảm từ 20.000-30.000 đ/kg. “Giá thấp quá nên tôi định tỉa thưa (thu hoạch trước khoảng 50% ao tôm-PV) nhưng hổm rày không có lái nào hỏi mua cả”. Ông Hùm giọng buồn so.
 
Cũng theo ông Hùm, trong tình thế không bán được tôm, gia đình ông phải kéo dài thời gian nuôi thêm từ 30-45 ngày. Tới thời gian nêu trên, dù giá có thấp cỡ nào thì người nuôi cũng phải thu hoạch chứ không thể nuôi thêm được nữa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bản thân ông Hùm cũng chưa tiên liệu được điều gì. Ông bày tỏ lo lắng: “Giá tôm hiện tại ngang bằng chi phí đầu tư để có được 1kg tôm. Nếu bán được xem như phá huề. Nhưng nuôi tôm vất vả lắm, hơn ba tháng trời ròng rã, huề xem như lỗ vốn”.
 
Đồng tôm thâm canh Cà Mau đến lứa thu hoạch nhưng khó bán bởi giá giảm sâu.
 
Đầm Dơi là vùng nuôi tôm trọng điểm ở Cà Mau, với hơn 70.000 ha. Do nhiều nguyên nhân, trong hơn ba năm gần đây, hiếm khi người nuôi tôm có được một vụ tôm suôn sẻ. Ông Kiều Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), cũng là một trong hai nông hộ đầu tiên ở xã thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, phân tích: Với tỷ lệ nuôi thành công về sản lượng chiếm từ bằng đến hơn 80%, nếu tôm nguyên liệu có mức giá ổn định, thì mỗi ao tôm (khoảng 1.200m2), hộ nuôi có lời từ 200-300 triệu đồng mỗi vụ nuôi. Tuy nhiên, giá tôm “nhảy múa” liên tục, nhất là vào cao điểm thu hoạch, giá thường xuống thấp”, ông Tấn chia sẻ.
 
Các vùng chuyên tôm ít bị tác động bởi hạn hán, xâm nhập mặn như vùng ngọt phía bắc của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau đang chịu cái nạn được coi là “từ trên trời rơi xuống”. Tôm không bị dịch bệnh nhưng dịch bệnh trên người đang tác động bất lợi đến giá tôm. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg hiện chỉ còn từ 160.000 - 1‌80.000 đồng/kg; sú loại 30 con/1kg giá từ 120-130.000đ. Trong khi, tôm thẻ (nuôi công nghiệp) loại 100 con/kg chỉ còn khoả‌ng 70.000 đồng/kg; thẻ loại 50 con/kg còn khoả‌ng 105.000 đồng. So với hai tuần trước đó, giá tôm sú giảm khoảng 100.000đ/kg và hơn 20.000 đồng đối với mặt hàng tôm thẻ.
 
Trước tình cảnh giá tôm giảm sâu, ông Trần Văn Của (có hơn 1ha đất nuôi tôm sú quảng canh ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam) cho biết sẽ tạm ngừng việc thu hoạch tôm. Ông nói trong tâm trạng bất an: “Chờ dịch bệnh qua đi xem tình hình có cải thiện không rồi tính tiếp”.
 
Những hộ nuôi tôm quảng canh như ông Của, tôm có thể chậm thu hoạch trong thời gian dài từ 2-3 tháng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với những hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau, việc kéo dài vụ nuôi đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ bỏ thêm tiền để cho tôm ăn, tiền điện chạy quạt nước, tiền vi sinh xử lý nước và tất tần tật nhiều thứ khác. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm và giá tôm không cải thiện, thì kịch bản “treo đầm” có thể sẽ diễn ra trên diện rộng ở vùng nuôi tôm trọng điểm quốc gia.
 
"Giá tôm nguyên liệu hiện giảm chưa từng thấy trong vòng hai năm trở lại đây. Trong điều kiện các loại vật tư đầu vào không giảm, thì với giá hiện tại, người nuôi tôm ở Cà Mau dù đạt về sản lượng nhưng vẫn không có lãi" - Thạc sĩ Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Cà Mau.
 
Xuất khẩu hẹp đầu ra vì Covid-19
 
Cà Mau được xem là “thủ phủ” nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với tổng diện tích nuôi hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 200 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó, có các hình thức nuôi, như: Quảng canh kết hợp (hơn 62.000 ha); quảng canh cải tiến (khoảng 140.000 ha); Tôm-lúa (hơn 38.000 ha), tôm-rừng (hơn 30.700 ha) và hơn 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau đã phát triển lên hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.
 
Tôm Cà Mau giảm giá sâu tác động bất lợi đến người nuôi tôm.
 
Với vùng nuôi rộng lớn nêu trên và việc phát triển mạnh các hình thức nuôi có sự can thiệp của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thì ước tính, mỗi năm nông hộ Cà Mau tiêu tốn vài nghìn tỷ đồng mua thức ăn cho con tôm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cà Mau vẫn chưa có được nhà máy sản xuất thức ăn mà phải nhập tỉnh, kể cả một số nguyên liệu thiết yếu phục vụ đầu vào trong quá trình nuôi tôm, như: Vôi, bạt lót đáy ao, ống nhựa, nhiều loại vi sinh và thuốc chuyên dùng trong thuỷ sản… Đó cũng là một trong những bất lợi mà người nuôi tôm ở Cà Mau gặp phải trong nhiều năm qua. Kéo theo đó là giá thành đầu vào luôn trong tình trạng “mất kiểm soát”. Trong khi đó, con tôm phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu qua hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản.
 
Ông Phạm Thế Tài, Nguyên Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Người nuôi tôm luôn thiệt thòi vì không quyết định được giá đầu ra”. Ông Tài phân tích: Vật tư đầu vào chiếm khoảng 70% chi phí cho một vụ nuôi, đặc biệt là các hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Tuy nhiên, giá của vật tư hiếm khi nào giảm mà luôn trong tình trạng tăng, đặc biệt là các mặt hàng thuốc thuỷ sản và thức ăn cho tôm, bởi doanh nghiệp triết khấu hoa hồng khá cao cho hệ thống phân phối và đại lý. “Trong tình thế đó, năm nào xuất khẩu thuận lợi, giá tôm nhích lên thì nông dân “dễ thở”, bằng ngược lại người nuôi tôm lãnh đủ hoặc nai lưng “làm mọi” cho nhà sản xuất”, ông Tài chia sẻ.
 
Chế biến tôm đang có dấu hiệu sa sút do thị trường xuất khẩu bị bó hẹp vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Theo đánh giá của đa phần người nuôi tôm, giá nhiều mặt hàng đầu vào hiện không tăng nhưng giá tôm giảm sâu do dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, khiến thị trường xuất khẩu bị bó hẹp. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường cho biết: Ban đầu là Trung Quốc, sau đó đến châu Âu và bây giờ toàn thế giới đã bị ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến thị trường xuất khẩu bị co hẹp dần. “Không bán được hàng, không có vốn xoay vòng, trong khi, mỗi tháng công ty gánh chi phí hoạt động vài tỷ đồng”.
 
Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty thủy sản Anh Khoa (tỉnh Cà Mau) bổ sung: Một trong những khó khăn nhất hiện nay là ngân hàng nhà nước triển khai thông tư 01 về giảm lãi, giãn lãi,…nhưng chưa đúng nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp đang cần vốn để khôi phục sản xuất, thu mua hàng thủy sản nhưng một số chính sách từ hệ thống ngân hàng triển khai rất chậm”, ông Trung nêu quan điểm.
 
Tình hình dịch Covid-19 đã và đang tác động bất lợi đến các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Tại Cà Mau, con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nhiều đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu thỷ sản của tỉnh hiện giảm hơn 50% so với cùng kỳ, gia tăng lượng hàng tồn kho. Đây cũng là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2020 của tỉnh Cà Mau giảm 15 – 20% so với cùng kỳ. Chính vì thế, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không thể chậm trễ, góp phần bình ổn giá tôm. Về lâu dài, để giá tôm bình ổn, Cà Mau nói riêng và người nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển cả nước nói chung rất cần sự đầu tư của Nhà nước về chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tại các vùng nuôi tôm trọng điểm nhằm kiểm soát tốt giá thành đầu vào, giảm thiểu chi phí trong nuôi tôm. Có như thế, con tôm Cà Mau và của Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh và rộng đường “xuất ngoại”.
 
Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung cùng lúc nhiều nhiệm vụ trọng tâm (chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, giảm thiểu, khắc phục hạn-mặn, dịch bệnh Covid-19) nên rất cần sự chia sẻ, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong việc cung cấp các thông tin cần thiết về sản lượng, hàng tồn kho, số lượng công nhân, giá mua nguyên liệu, sản lượng hợp đồng đã ký, đăng ký tạm trữ, minh bạch giá cả thu mua,… Đó cũng là cơ sở để tới đây tỉnh có đề xuất tới Trung ương nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

 

Hữu Tùng - (nhandan.com.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Đời Sống