Việc che mùng cho các loại cây ăn trái, rau màu là kỹ thuật đang được nông dân nhiều địa phương áp dụng rộng rãi trên mảnh vườn của mình. Ông Quý chia sẻ: “Đất này xưa nay là đất bạc màu, trồng lúa không được, chỉ trồng luân phiên các loại rau quả ngắn ngày, mùa mưa thì tốt, còn mùa hạn thì khô cằn nên thu nhập rất bấp bênh. Mặt khác, lượng rau màu ở xã ngày càng tăng nên đầu ra không được thuận lợi. Tôi tìm xem cây trồng gì hợp với vùng đất này để tiện bề chăm sóc thì tình cờ trong chuyến đi đến quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), thấy người ta trồng mận trong mùng khá hiệu quả. Hỏi thăm và trao đổi kinh nghiệm kỹ, tôi mới mua giống về trồng”.
Ông Quý cho biết, việc mạnh tay đầu tư sang cây ăn trái và kỹ thuật mới cùng lúc bởi muốn sản xuất an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Bệnh phổ biến trên cây mận là sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, thối trái… Để giải quyết các vấn đề này, trái mận khi để phát triển ngoài trời phải xịt thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, tốn chi phí đã đành mà người ăn cũng độc hại. Lương tâm không cho phép làm điều đó, ông bỏ thêm khoản chi phí mua mùng phủ hết vườn, lắp đặt hệ thống phun nước tưới tự động. Ngoài ra, nếu như bao trái theo kỹ thuật thông thường sẽ tốn công lao động và mất nhiều ngày, còn việc bao lưới này chỉ vài tiếng đồng hồ là xong.
Mận An Phước xen canh cà na của nông dân Bùi Công Quý
Mận An Phước là giống mận cho trái sai, quả to, ngọt, được nhân giống thành công tại xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) và Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu năm 2003. Mận An Phước có thể trồng trên nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất thịt pha sét, đất cồn nhưng phải bảo đảm thoát nước. Trên diện tích 1.000m2, sau 7 tháng trồng, vườn mận của ông Quý đã có bông, để dưỡng cành sung túc hơn và đủ sức nuôi trái phải lặt bỏ hết số bông này, đợi thêm 10 tháng thì xử lý cho trái vụ đầu.
Ở giai đoạn này, ông Quý chỉ rải một số phân lân, kali, xịt phân bón lá, khi trái bắt đầu chuyển màu đỏ thì không sử dụng thêm bất cứ thứ gì để trái đảm bảo an toàn. Nhờ được che mùng nên mận không có sâu bọ, hạn chế rụng, năng suất cao, không lệ thuộc thuốc bảo vệ thực vật, trái phát triển bóng đẹp. Kỹ thuật này có thể tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với thời tiết hạn hán, mưa bão, vì lớp lưới sẽ cách nhiệt giúp cho vườn mận giữ ẩm tốt hơn.
Do là mô hình mới nên đầu ra hiện tại ông chỉ bán lẻ cho người tiêu dùng ở địa phương nhưng bước đầu mang lại tín hiệu rất tích cực, khả quan. Mỗi ngày, gia đình ông Quý thu hoạch mận được từ 50-70kg, giá bán lẻ tại vườn 20.000 đồng/kg. Xen với cây mận, ông còn trồng thêm cây cà na, hiện đang cho trái vụ đầu tiên, giá bán lẻ 30.000 đồng/kg. Vườn cây chuyển đổi thành công khiến ông vô cùng phấn khởi, hơn nữa có thể phát triển lâu bền so với rau màu trước đây. Mận có thể thu hoạch 3 vụ trong năm, ngoài ra nhờ khắc phục bệnh rụng bông nên có thể khai thác thêm trái vụ, trong khi đó, cà na cho trái liên tục để hái mỗi ngày.
Bên ngoài vườn mận phủ lưới
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả là chủ trương đang được huyện Phú Tân khuyến khích người nông dân hưởng ứng trong giai đoạn hiện nay, nhất là tìm kiếm các cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng gắn với ứng dụng công nghệ, giá trị kinh tế cao và đầu ra thuận lợi… Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền, mô hình trồng mận An Phước trong mùng do ông Quý thực hiện là mô hình kỹ thuật mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp theo chủ trương chuyển đổi cây trồng của địa phương.
Sắp tới, Hội Nông dân sẽ kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho các hội viên trong xã phát triển những mô hình vườn cây ăn trái tương tự, phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội Nông dân sẽ hướng dẫn nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
MỸ HẠNH - (tintucmientay.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)