Những ngày tháng 3, vào các buổi chiều mát trời, lộng gió rất dễ bắt gặp trên các công viên, cánh đồng vừa thu hoạch, bãi đất trống cặp 2 bên kênh, sông từ thành thị đến nông thôn, những chiếc diều với đủ loại hình dáng, màu sắc sặc sỡ đang hòa cùng gió bay phất phới.
Không biết xuất hiện từ khi nào, nhưng từ bao đời nay, thả diều đã trở thành trò chơi truyền thống được nhiều thế hệ yêu thích. Đặc biệt, thú chơi diều đã in dấu ấn trong ký ức tuổi thơ của hầu hết những người được sinh ra, lớn lên ở các vùng quê với tháng ngày rong ruổi trên những cánh đồng sau một mùa gặt.
Ngày xưa, để làm ra một con diều phải kỳ công lắm và tốn rất nhiều thời gian. Nào là chọn tre, trúc làm khung nan cho diều. Nan cung phải vừa mỏng, vừa uốn thật tốt, nan trụ nhẹ mà phải chắc chắn.
Đây là công đoạn quan trọng nhất, quyết định khả năng diều bay cao hay thấp. Tiếp đó, giấy báo, giấy vở, bọc ny-lon... được trưng dụng tối đa để làm diều. Cuối cùng là vẽ hoa vẽ lá, đứa thì gắn đuôi, gắn cánh cho diều. Đuôi càng dài, diều bay càng cao càng đẹp.
Các em nhỏ chơi thả diều tại công viên
Ngày nay, qua rồi hình ảnh con diều được làm bằng giấy báo, tô vẽ bằng màu sắc giản đơn, hay kiểu có gì làm nấy. Để đáp ứng tốt cho nhiều thành phần khách hàng, dịch vụ cung cấp diều trở nên phong phú, đa dạng.
Diều được làm sẵn và bày bán ở nhiều nơi, với đủ loại kích cỡ và chất liệu từ giấy, vải đến ny-lon với nhiều hình dạng, như: diều hâu, bướm, cá mập, phượng hoàng, siêu nhân, chim cánh cụt, gấu trúc… có giá dao động 30.000-200.000 đồng/chiếc.
Giá các loại diều cũng phụ thuộc vào các yếu tố như: màu sắc, hình dáng, kích thước và đặc biệt là phần đuôi. Mỗi cuộn dây thả diều được bán kèm theo có giá từ 3.000-30.000 đồng/cuộn, tùy loại. Muốn diều bay cao, bay xa có thể mua từ 3-4 cuộn dây chắp nối với nhau.
Chị Lê Thị Thu Lan (xã Phú Hưng, Phú Tân, An Giang) chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, nhóm bạn tôi ai cũng phải biết tự làm diều, để mỗi buổi chiều sẽ thả với đám bạn. Còn bây giờ, mấy đứa nhỏ sướng lắm, diều được bày bán sẵn với nhiều kiểu dáng đẹp và tiện lợi, chỉ cần mua về là có thể chơi được rồi”.
Say sưa điều khiển con diều hình doraemon, mồ hôi nhễ nhại nhưng trên khuôn mặt hớn hở, cười nói rôm rả. Em Nguyễn Thanh Tâm (14 tuổi, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) cho biết, học thả diều dễ lắm, chỉ cần người lớn hướng dẫn vài lần là có thể tự thả diều được.
Cầm diều rồi phải chạy một đoạn, vừa chạy vừa thi thoảng ngoái đầu xem diều đã lên chưa. Sau khi diều đã bắt được gió, hãy từ từ thả dây dài dần ra. Dây diều không nên quá chùng cũng không nên quá căng. Để điều chỉnh diều, dùng tay nắm sợi dây diều và giật lại giúp cho diều có thể bay cao hơn. Nếu thấy diều bay lượn xuống hãy điều chỉnh dây và giật dây diều để làm cho nó ổn định trở lại.
“Em rất thích thả diều. Chiều nào em cũng cùng ba và em gái thả diều và hóng mát. Em và các bạn mới quen còn thi xem diều của ai bay cao hơn, xa hơn” - Tâm chia sẻ.
Đang hướng dẫn cho con gái điều khiển diều bay lên cao, anh Nguyễn Văn Nhã (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Hầu như ngày nào tôi cũng đưa con ra công viên thả diều. Mình đi làm cả ngày không được ở gần con, thấy thương lắm. Vì thế mà chiều chiều, dẫn con đi thả diều, vừa hóng mát, vừa giải tỏa căng thẳng, vừa dạy cho con gái trò chơi dân gian mà lúc nhỏ mình rất yêu thích. Đó chính là niềm vui của bản thân” - anh Nhã chia sẻ.
Bên cạnh việc mang lại niềm vui, tiếng cười cho những đứa trẻ, thả diều còn là thời gian thư giãn của người lớn sau ngày làm việc căng thẳng. Ngồi thả hồn ngắm cánh diều đủ sắc màu bay giữa bầu trời trong xanh lộng gió xen lẫn những tiếng cười đùa tụm năm, tụm ba của trẻ nhỏ làm bao mệt mỏi, lo toan cuộc sống bỗng dần tan biến.
TRỌNG TÍN - (tintucmientay.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)