Trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ ba, 31 Tháng 3 2020 14:04 (GMT+7)
Nhận thấy việc canh tác lúa thời gian qua gặp nhiều khó khăn, năng suất không cao, tình trạng “được mùa mất giá” thường xảy ra, cuộc sống gặp nhiều khó khăn… nông dân trên địa bàn xã Bình Chánh (Châu Phú, An Giang) đã chuyển đổi phần diện tích đất ruộng sang trồng các loại cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng.
 
Cây trồng mới
 
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn Tất (ấp Bình Thạnh, xã Bình Chánh) quyết định chuyển 1ha đất canh tác lúa của gia đình để lập vườn trồng sầu riêng. Cây sầu riêng được gia đình ông lựa chọn là giống Ri6, có ưu điểm cơm vàng, hạt lép, phẩm chất ngon, được thị trường ưa chuộng.
 
Tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo và của những người đi trước, đồng thời mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông Tất đã tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Theo ông Tất, trồng sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải, không dày, bình quân 1 công đất trồng khoảng 25 cây. Muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, dưỡng cỏ để giữ ẩm cho cây. Trên cây sầu riêng có nhiều đối tượng dịch bệnh gây hại, do đó phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
 
Trồng sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế khả quan
 
Cũng giống như nhiều loại cây trồng khác, giá trị của trái sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Theo ông Tất, sầu riêng thuận mùa khó có thể cạnh tranh được với các địa phương khác như: Tiền Giang và các tỉnh miền Đông. Do đó, việc xử lý cho trái nghịch vụ (thu hoạch sau tháng Giêng) được xem là phương pháp hữu hiệu để ứng phó với tình trạng “được mùa, rớt giá”.
 
“Để cây cho trái vào thời điểm hiện tại, ngay từ tháng 9 (âm lịch) năm trước, tôi tiến hành đào rãnh thoát nước và dùng màng ny-lon phủ kín quanh gốc, tạo khô hạn cho cây, phun thuốc kích thích cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa, phải bón phân, phun thuốc theo định kỳ để trái phát triển tốt” - ông Tất chia sẻ.
 
Sau một mùa thu hoạch, cây sầu riêng cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng nuôi trái, cần cung cấp và bổ sung cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu. Mỗi tháng, ông bón 1kg phân sinh học cho cây, trước khi bón phải xới nhẹ mặt đất để phân bón hấp thu vào đất nhanh và hạn chế bị rửa trôi nếu xảy ra mưa lớn kéo dài. Ngoài việc chăm sóc đúng kỹ thuật, ông Tất còn lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động; cách làm này vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công, vừa đảm bảo cây ướt đều với lượng nước vừa đủ.
 
Giá trị kinh tế cao
 
Trên diện tích 1ha, ông Nguyễn Văn Tất trồng khoảng 130 gốc sầu riêng. Do là vụ đầu tiên, cây còn tơ nên ông xử lý ra hoa được 80 cây, năng suất ước đạt 4,7 tấn. Với giá bán khoảng 80.000-90.000 đồng/kg, thu trên 350 triệu đồng. Ông Tất chia sẻ: “Bình quân mỗi cây từ lúc trồng đến thu hoạch mất gần 5 năm. Chi phí đầu tư mỗi gốc khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ cây trồng này khá cao, nếu canh tác đúng quy trình, kỹ thuật, mỗi cây có thể thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/năm”. Từ những thành công bước đầu, ông Tất đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sầu riêng thêm 1ha, nâng tổng diện tích canh tác của gia đình lên 2ha.
 
Cũng như ông Tất, anh Nguyễn Phan Tấn Phát cũng chọn cây sầu riêng là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Sau 5 năm canh tác, anh Phát cho biết, cây sầu riêng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt, năng suất cao, chất lượng không thua kém các vựa sầu riêng của cả nước. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều loại cây ăn trái khác. Ngoài ra, giá mặt hàng này ổn định, từ 60.000 đồng/kg trở lên nên nông dân rất an tâm.
 
Cũng giống như ông Tất, anh Phát chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bón cho cây. Anh Phát giải thích: “Sử dụng phân bón hữu cơ dù chi phí cao hơn so với các loại phân bón thông thường nhưng giúp cây hấp thụ tốt hơn. Bên cạnh đó còn giúp hạn chế đất bạc màu, bảo vệ môi trường xung quanh”.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh Nguyễn Thanh Tùng cho biết, xã Bình Chánh hiện có 23 hộ trồng sầu riêng với diện tích gần 15ha. Trước mắt, địa phương đã vận động bà con tham gia Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh với sự tham gia của 13 thành viên. Tham gia tổ hội, các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ tìm kiếm đầu ra…
 
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình trồng sầu riêng, nâng diện tích trồng sầu riêng của xã lên 50ha theo kế hoạch. Bên cạnh đó, địa phương sẽ phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật canh tác sầu riêng cho bà con. Đồng thời, mở rộng quy mô hoạt động hội làm vườn thành tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã để có những chính sách hỗ trợ về vốn, đầu ra cho bà con” - ông Tùng chia sẻ.
 
ĐỨC TOÀN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống