Giúp được nông dân là mừng

Thứ hai, 06 Tháng 4 2020 13:36 (GMT+7)
Đó là tâm nguyện của ông Nguyễn Thanh Hùng. Chính vì thế, tất cả nông cụ ông chế tạo đều hướng tới mục đích giảm nhân công, giảm giá thành đầu vào, nâng cao lợi nhuận cho nông dân
 
Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Hồng Ngự nổi tiếng trồng rau, màu của tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Hùng (SN 1979) - chủ xưởng cơ khí Sáu Hùng (ấp 1, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) - vốn quen cảnh chân lấm tay bùn trong nghề làm nông.
 
Làm không công để học nghề
 
Giới thiệu về mình, ông Hùng tóm tắt: "Sau khi học hết lớp 2, cuộc sống quá khó khăn nên tôi nghỉ để đi làm thuê, làm mướn kiếm sống với gia đình. Nhà đông anh em mà chỉ có 6 công ruộng, tôi phải bươn chải rất nhiều nghề để kiếm cơm".
 
Tuy nhiên, việc làm thuê, làm mướn theo ông Hùng về lâu dài là không thể mang lại cuộc sống tốt hơn cho mình. Nghĩ vậy, ông quyết xin đi học nghề sửa chữa máy móc. Lúc đầu, ông tự nguyện làm không công cho những người trong vùng có máy suốt lúa để học nghề.
 
Để thỏa niềm đam mê với nghề cơ khí, ban đầu, khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, ông chỉ mua một chiếc máy suốt lúa cũ rồi tranh thủ lúc rảnh để mày mò tìm ra những tính năng của máy nhằm đổi mới, phục vụ thêm các việc khác cho nghề nông của gia đình.
 
"Lúc đó, quê mình còn nghèo, nông dân làm lúa không đủ ăn nên nhà nước có biện pháp chuyển đổi cây trồng. Trong đó, cây mè được chọn để trồng tại vùng biên giới quê mình. Tuy nhiên, trồng cây mè rất vất vả, lại cực, nhất là khâu thu hoạch phải tốn nhiều công sức" - ông Hùng nhớ lại.
 
Giúp được nông dân là mừng - Ảnh 1.
Máy suốt tách hạt rau muống của ông Nguyễn Thanh Hùng giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất
 
Trăn trở với việc phải làm ra một loại máy móc nào đó có thể rút ngắn thời gian thu hoạch mè, giảm sức lao động cho nông dân, năm 2001, ông Hùng bắt đầu thử chế tạo. Sau nhiều thất bại, cuối cùng, những nỗ lực của ông đã cho quả ngọt. Sản phẩm máy suốt mè của ông gây bất ngờ cho nhiều người vì rút ngắn hơn 70% thời gian làm việc này cho nông dân.
 
Chia sẻ về những sản phẩm do mình sáng chế, ông Hùng cười: "Tôi cũng làm ruộng, trồng mè, đậu phộng nên thấm thía nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân. Chính vì thế, tất cả nông cụ tôi chế tạo đều hướng tới mục đích giảm nhân công, giảm giá thành đầu vào, nâng cao lợi nhuận từ sản xuất cho bà con.
 
Sản phẩm mình làm ra được bà con tin dùng, tôi rất vui và tự nhủ sẽ không ngừng đổi mới, cải tiến kiểu dáng, hạ giá".
 
Khi sản phẩm đầu tiên thành công, sự phấn khởi của bà con nông dân đã thôi thúc ông Hùng tích cực tìm hiểu để tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm cũ cho năng suất, hiệu quả hơn. Sau đó, lần lượt đến các loại máy móc hữu ích khác ra đời như máy suốt cho các loại hột, như: Đậu xanh, é, đậu phộng...
 
Năm 2017, Hồng Ngự làm vùng chuyên canh rau muống lấy hạt của tỉnh Đồng Tháp. Địa phương này cũng có kế hoạch mở rộng diện tích trồng rau muống từ 200 ha lên 550 ha theo quy hoạch chi tiết đến năm 2030. Thấy sự cần thiết của nông dân sản xuất rau muống lấy hạt thiếu máy sản xuất, ông Hùng lại nghiên cứu, thử nghiệm và thành công với máy tách hạt rau muống.
 
Theo ông Hùng, nếu như trước kia, sản phẩm phục vụ gieo trồng của ông chỉ đơn thuần tạo luống thì nay có thêm chức năng làm đất tơi nhỏ, điều chỉnh được độ rộng và độ cao của luống đất. Sau khi làm xong, người dân có thể bón phân, tra hạt giống luôn, không phải mất thêm các công đoạn thủ công khác. Trước kia, khi còn làm thủ công, rau muống già phải phơi trên ruộng tầm 20 ngày nắng. Với 10 công đất, nông dân phải mất thêm cả tháng bỏ công đập lấy hạt. Bây giờ thì khác, chỉ một ngày là xong. Chiếc máy suốt tách hạt rau muống vì thế đã trở thành sản phẩm vô cùng ý nghĩa mà ông Hùng mang đến cho nông dân Hồng Ngự.
 
Hơn 500 sản phẩm/năm
 
Không thể nói hết niềm vui của nông dân huyện biên giới Hồng Ngự khi từng sản phẩm của ông Hùng được ứng dụng vào sản xuất.
 
Gạt những giọt mồ hôi tuôn trên gương mặt sạm nắng trong lúc thu hoạch lúa mùa, ông Nguyễn Văn Rô (ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) hồ hởi: "Bây giờ làm đất trồng mè, đậu phộng, rau muống nhàn hơn nhiều so với trước. Như nhà tôi, 4 công làm rau muống nếu trước kia thì phải mất vài ngày mới thu hoạch xong. Còn giờ, chỉ mất một ngày là xong, không cần thêm nhân công nào khác nữa. Tiền thuê máy chỉ hết 800.000 đồng".
 
Không riêng sản phẩm máy tách hạt rau muống mà nhiều sản phẩm khác của ông Hùng cũng đều giúp nông dân địa phương giảm công lao động, rút ngắn thời gian cho một số khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, qua đó giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
 
Từ những sáng chế này, ông Hùng nhận được rất nhiều giải thưởng cấp tỉnh và giấy chứng nhận khi tham gia hội chợ, triển lãm về máy cơ khí nông nghiệp. Tiếng đồn lan xa, nay xưởng cơ khí chế tạo máy Sáu Hùng đã cung ứng ra thị trường hơn 500 sản phẩm mỗi năm tới các tỉnh, thành phố trong cả nước và Campuchia, doanh thu đạt từ 1,5-2 tỉ đồng. Với xưởng cơ khí của mình, ông Hùng còn tạo việc làm cho một số lao động có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
 
Tâm Minh - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống