Diện mạo mới trên những vùng "đất thép" ở Ninh Thuận

Chủ nhật, 12 Tháng 4 2020 16:09 (GMT+7)
Sau 45 năm đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn phát huy tinh thần chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Giờ đây, tại những vùng đất thép năm xưa đã vươn lên với diện mạo mới, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều.
Diện mạo mới trên những vùng
Mô hình du lịch Homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa Ra Glai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút nhiều du khách đến thưởng lãm.
 
Những ngày này, tỉnh Ninh Thuận đang hướng đến ngày giải phóng quê hương (16-4-1975 – 16-4-2020). Mỗi buổi sáng, qua chương trình phát thanh, truyền thanh từ hệ thống loa công cộng ôn lại những trang sử oai hùng của các thế hệ cha anh trong kháng chiến và những thành tựu đã đạt được về kinh tế, xã hội mà các thế hệ nối tiếp đã xây dựng đạt được từ sau tháng 4-1975 đến hôm nay, nhân dân trong tỉnh càng thêm tự hào. Giờ đây, mọi người đều biết địa danh phường Bảo An, TP Phan Rang - Tháp Chàm là nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập. Nơi đây, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận.
 
Bí thư Đảng ủy phường Bảo An, Nguyễn Thanh Sương, cho chúng tôi xem lịch sử nơi đây hơn 90 năm về trước, điểm rõ những hạt nhân tiêu biểu của cách mạng hoạt động trên vùng đất này. Vào những năm 1927-1928, các hoạt động phong trào của tầng lớp thanh niên tiến bộ theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng tại Bảo An rất lan tỏa. Theo lịch sử chép lại, ngày 8-12-1928, Chi bộ đảng Tân Việt đầu tiên của Ninh Thuận và cực Nam Trung Bộ được thành lập ở Cầu Bảo. Đến tháng 4-1930, chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành trung tâm tổ chức lực lượng, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở Tháp Chàm và Ninh Thuận. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21-8-1945, tại đây, ta đã biến cuộc mít-tinh của Thanh niên tiền tuyến thân Nhật trở thành cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Ninh Thuận.
 
Các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với những sự kiện đấu tranh cách mạng như: Nơi thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt đầu tiên; cây me làng Bảo An, nơi diễn ra sự kiện treo cờ đỏ búa liềm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1930); miếu Ngũ Hành, nơi Việt Minh tỉnh họp bàn kế hoạch phá cuộc mít-tinh của Thanh niên tiền tuyến thân Nhật và biến cuộc mít-tinh này thành cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; nhà đồng chí Nguyễn Hữu Hương, nơi đã từng nuôi giấu, che chở các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ vào hoạt động những năm 1938-1941;…
 
Giờ đây, diện mạo phường Bảo An đổi thay nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao hơn. Toàn phường có 40 doanh nghiệp, hai hợp tác xã dịch vụ, 866 cơ sở kinh doanh cá thể, trong năm 2019, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ ước đạt gần 320 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt hơn 143 tỷ đồng; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 99%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm đều giảm,… Trong những ngày tháng Tư lịch sử, người dân Bảo An có dịp tự hào về địa phương là cái nôi của cách mạng, để cùng nhau ra sức thi đua, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh.
 
Trở lại thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước gặp Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý thôn và Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Trịnh Quang Thảo, anh kể, tại làng quê này, các đồng chí Trần Thi, Lê Hàn, Lê Thiệu, Nguyễn Đối, Lê Chưởng đã họp bàn tập trung lực lượng biểu tình, phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Thuận thắng lợi vào ngày 21-8-1945.
 
Ngày nay, Vạn Phước vẫn còn ngôi đình làng, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, từng là nơi được Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận chọn treo cờ đỏ búa liềm trong ngày Quốc tế Lao động (1-5-1930); Nhà tưởng niệm cụ Trần Thi... Mấy năm qua, thôn vận động 65 hộ dân hiến 3.200 m2 đất và đã hoàn thành đường bê-tông dài 1 km nối liền đường tỉnh lộ 708 đến trụ sở thôn. Các con đường nội thôn khác dài từ 30 đến 40 m, rộng 1,5 m, người dân tự hình thành từng nhóm từ 5 đến 10 bằng hình thức tự đóng góp, thi công và giám sát, nên rất chất lượng. Bà Ngô Thị Mạnh, phấn khởi nói: “Tôi đóng 400 nghìn đồng để làm đoạn đường hẻm bê-tông trước nhà, từ khi trong thôn làm đường bê-tông, việc đi lại vận chuyển hàng hóa thuận tiện lắm”.
Được Đảng, Nhà nước quan tâm đâu tư, đường giao thông và hạ tầng cơ sở ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữ vùng cao và miền xuôi.
 
Những năm qua, nhờ sự góp sức của con em xa quê và huy động nội lực của nhân dân, toàn thôn đã bê-tông bốn tuyến đường giao thông nội thôn; đổ đất sỏi, “cứng hóa” 100% các đường trục chính nội đồng; sửa chữa nhà văn hóa theo quy chuẩn, cổng thôn văn hóa, sân bóng đá… Hưởng ứng đợt phát động xây dựng các tuyến đường hóa trong thôn, 100% hộ dân đều làm hàng rào, cổng ngõ, trồng cây xanh, hoa kiểng trước nhà hoặc dọc hai bên đường, thực hiện công trình thắp sáng đường quê, làm cho cảnh quan đường làng, ngõ xóm trong thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
 
Nhờ thực hiện mô hình cánh đồng lớn 70 ha trồng lúa, đạt năng suất bình quân từ 7 đến 8 tấn/ha và mạnh dạn chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Gần đây, Vạn Phước nổi lên nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như chăn nuôi bò, dê, cừu; nhiều hộ kết hợp trồng nho, táo, nuôi dê đã vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình anh Trịnh Quang Thảo, với 2,5 sào táo kết hợp nuôi dê vỗ béo, mỗi đợt xuất chuồng 40 con, cộng với canh tác bảy sào ruộng lúa ba vụ, mỗi tháng thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Phong trào thành lập trang trại nhỏ và vừa nơi đây ngày càng lan tỏa.
 
Khoảng chục năm trở lại đây, xã Phước Bình, huyện miền núi Bác được đánh giá là vùng đất đáng sống với cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bài bản. Cùng với đó, đồng bào Ra Glai biết phát huy nội lực để vươn lên. Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình, Katơ Quỳnh cho biết, toàn xã có hơn 920 hộ với hơn bốn nghìn người. Nhiều năm rồi, đồng bào không còn bám nương rẫy để gieo mạ, trỉa ngô, quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo nữa, bà con đã biết chuyển đổi cây trồng theo định hướng của xã, huyện, đã xây dựng nên vùng chuyên canh trồng bưởi, chuối, chôm chôm, sầu riêng… lớn nhất tỉnh và được ví là “vương quốc trái cây nam bộ thu nhỏ”, góp phần xanh hóa các vùng đất trống, đồi núi trọc và nâng cao thu nhập hơn 15 triệu đồng/người/năm.
Cây bưởi da xanh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho đồng bào Ra Glai xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
 
Toàn xã có gần hai nghìn ha trồng cây các loại, trong đó, hơn 700 ha trồng chuối và 300 ha trồng bưởi da xanh, nay bà con biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình bưởi sạch, chuối sạch… theo chuẩn VietGAP, mỗi ha bưởi da xanh trồng 200 cây, sau bốn năm tuổi, cho thu hoạch khoảng 100 kg/cây/năm, với giá bán tại vườn 30 nghìn đồng/kg, mỗi năm bà con thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha. Nhờ có đường giao thông thuận lợi, xã đã kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo hướng liên kết, tạo đầu ra ổn định, cho nên đến mùa thu hoạch, các thương lái đến tận vườn thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg. Phước Bình đã mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại cho bà con một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
 
Nhiều người kết hợp sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi, vỗ béo gia súc có sừng như: ông Pi Năng Phiên, ở thôn Gia É, Ba On Hà Phương ở thôn Bố Lang, Ka-tơ Ðông… trở thành triệu phú, tỷ phú từ nông nghiệp. Nay, những căn nhà sàn, nhà lá đơn sơ của đồng bào đã thay thế bằng những căn nhà bê-tông, hiện đại. Nhiều năm liền, tỷ lệ giảm nghèo từ 5 đến 6%, riêng năn 2019, giảm 6,8%, đến nay, toàn xã giảm còn hơn 20%, là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với các địa phương khác của huyện Bác Ái.
 
Ngoài sản xuất, những năm qua, đồng bào Ra Glai nơi đây dựa vào lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của Vườn quốc gia Phước Bình kết hợp với nét văn hóa độc đáo của cộng đồng, đã triển khai mô hình du lịch Homestay kết hợp với tham quan, trải nghiệm sinh thái thiên nhiên, trải nghiệm với văn hóa địa phương, thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, nên thu nhập ngày càng tăng cao hơn.
Trong những năm qua, tuyến đường ven biển dài hơn 100 km đã tạo cú huých phát triển du lịch biển tại các vùng chiến khu xưa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
 
Gần đây, cung đường ven biển dài hơn 100 km từ xã Cà Ná, huyện Thuận Nam đến thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc làm cho hàng lượt triệu du khách ngỡ ngàng khi đến tham quan vùng biển trời xanh mát ở Ninh Thuận. Các địa danh, thắng cảnh ở vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, khu vực lướt ván diều quốc tế, tảng san hô hóa thạch hàng triệu năm, những vườn nho quả chín mọng…. ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm.
 
Cung đường ven biển đã đưa Vĩnh Hải từ một xã bãi ngang ven biển có điểm xuất phát thấp trở thành nền kinh tế biển năng động với nhiều ngành mũi nhọn như: du lịch, sản xuất nông sản, khai thác thủy, hải sản. Lãnh đạo UBND xã cho biết, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng giao thông, trường, trạm được đầu tư xây dựng bài bản, khang trang; đời sống người dân được nâng lên đáng kể, tạo nền tảng để xã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Trong năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản đạt 422 tấn, đạt 140% so với kế hoạch; sản lượng nho đạt 7.406 tấn; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,4%... qua đó, địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, lập hồ sơ trình cấp trên công nhận, năm 2020, triển khai xây dựng tuyến đường hoa, cây xanh nông thôn mới giai đoạn 2019-2020, thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tiếp theo.
 
Giờ đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở hai thôn Cầu Gẫy và Đá Hang không còn ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà chủ động trong phát triển kinh tế với nhiều mô hình thâm canh cây lúa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ăn quả... có thu nhập ổn định. Xã thành lập 16 tổ cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, gần 100 người tham gia, 78 hộ đồng bào/2.612 người nhận rừng khoán quản; 22 hộ thực hiện mô hình đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ bò, dê nuôi sinh sản,.... Nhờ hưởng lợi từ rừng, nên đời sống của đồng bào nơi đây cải thiện nhiều.
 
Sau 45 năm đất nước thống nhất, giờ đây các vùng đất Thép ở Ninh Thuận đã đổi thay nhiều, những hố bom, bãi mìn đã được san lấp và trở thành vùng đất sản xuất, chăn nuôi giúp nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất mà các thế hệ cha anh đã chiến đấu để giữ gìn cho đời sau. Những di tích như lịch sử quốc gia trở thành điểm du lịch, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ngoài thu hút đầu tư phát triển du lịch, các chiến khu CK35, CK7... đang thu hút nhiều nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời, đã tạo cú huých cho phát triển năng lượng tái tạo ngày càng mạnh hơn. Năm 2019, thu ngân sách tỉnh Ninh Thuận từ hơn hai nghìn tỷ đồng vượt lên hơn bốn nghìn tỷ đồng, đã mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế bền vững ngay trên những vùng đất thép năm xưa.
 
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN TRUNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống