Việc làm mùa dịch

Chủ nhật, 12 Tháng 4 2020 20:30 (GMT+7)
Tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hàng quán, dịch vụ tạm đóng cửa nhiều ngày. Để hạn chế khó khăn, nhiều lao động linh hoạt chuyển đổi việc làm thích hợp. Trong đó, những dịch vụ gắn liền với tiện ích giao nhận tận nơi được nhiều khách hàng ưu tiên chọn lựa. Và nhờ đó, lực lượng nhân viên giao hàng có thêm việc làm, có thu nhập khá.
 
Quỳnh Như chế biến thức uống cho khách mang đi.
 
Chuyển đổi việc làm tạm thời
 
Trong mùa dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Tố Duyên, chủ cơ sở DDspa ở phường An Phú, quận Ninh Kiều đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng món ăn của khách. Các món ăn chị làm đều là các món “tủ”, đã được nhiều bạn bè nếm qua và rất ưng bụng. Trong đó, có nhiều món chuẩn nhà hàng: bò kho, sườn chua ngọt, tôm kho tàu, cari vịt, heo giả cầy, lẩu riêu cua-sườn sụn-bắp bò-tôm lóng, bò hầm rượu vang,… đến các món truyền thống, dân dã: thịt kho nước dừa, sườn non kho trứng cút, vịt kho gừng, mắm lóc chưng thịt, thịt ba chỉ xào mắm ruốc,... Khách hàng truyền tai nhau, đơn hàng đặt đồ ăn ở bếp của chị Duyên ngày một nhiều.
 
Chị cho biết: “Nghề chính của tôi là dịch vụ chăm sóc và phục hồi tổn thương trên da, tóc. Mấy ngày nay, spa đóng cửa nhưng tôi vẫn đảm bảo lương cơ bản cho nhân viên. Vì thế, tôi chuyển đổi sang dịch vụ nấu ăn, giao tận nơi cho khách để vừa có thêm một phần thu nhập, trang trải chi phí gia đình. Bên cạnh đó, tôi nấu ăn vì yêu thích. Đặc biệt, khi nhận được lời khen của khách và thấy khách thưởng thức món ăn một cách trân trọng, ngon lành, tôi rất hạnh phúc”. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Duyên luôn tự tay đi chọn lựa, mua rồi sơ chế nguyên liệu, chế biến món ăn thành phẩm trước khi giao tận tay khách. Mỗi ngày chị nhận đặt khoảng 12-20 phần thức ăn, kiếm thêm thu nhập dao động từ 400.000 đồng đến trên 1 triệu đồng. Với dịch vụ nấu ăn này, chị Duyên còn giúp tạo việc làm thêm cho một chị phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, chị này giao đồ ăn cho chị Duyên mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng.
 
Hàng quán không mở cửa phục vụ khách tại chỗ, nhiều nơi lựa chọn cách phục vụ khách mua mang đi. Chị Lê Thị Kim Thoa, chủ quán cà phê Sala ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều cho biết, từ ngày 28-3, quán đã bắt đầu đóng cửa. Bên cạnh nguồn thu bị mất mỗi ngày từ 6-7 triệu đồng, chị còn chịu lỗ khoản tiền thuê mặt bằng. Để giữ khách mối, chị chịu khó mỗi ngày ra quán, vừa quét dọn, trông chừng quán, vừa phục vụ khách mua nước mang đi. Chị cho biết, mỗi ngày, tôi bán chừng 30-40 ly nước cho “mối ruột”, thu nhập không đáng bao nhiêu nhưng với hình thức này, quán nhận được sự quan tâm thường xuyên của khách để có thể bán tốt trở lại ngay sau khi hết dịch bệnh. Còn em Nguyễn Quỳnh Như, nhân viên phục vụ tại quán giải khát Nước ép 7 ngày, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều cho biết: “Khách tới mua nước trực tiếp tại quán giảm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, khách đặt mua nước qua các dịch vụ giao hàng lại tăng từ 20%-30%, tùy ngày. Vì thế, tôi và một số bạn sinh viên cùng làm nhân viên thời vụ cho chuỗi cửa hàng nước ép này vẫn giữ được việc làm ổn định với mức tiền công 13.000 đồng/giờ”.
 
Nghề giao hàng lên ngôi
 
Hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều người hạn chế ra đường kéo theo nhu cầu mua hàng qua mạng và sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi tăng lên. Ông Hồng Tân Trạng, Giám đốc Siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ, cho biết: “Với ứng dụng đi siêu thị online SPEED L kèm theo dịch vụ giao hàng tận nơi trong bán kính 15km, đặc biệt là miễn phí cho đơn hàng có giá trị từ 150.000 đồng trở lên và điểm giao hàng trong bán kính 10km, số lượng khách hàng đăng ký thành viên SPEED L tăng khoảng 8-10 lần trong hơn nửa tháng nay. Lúc cao điểm, siêu thị tiếp nhận hơn 100 đơn hàng mỗi ngày. Để đảm bảo giao hàng nhanh chóng cho khách, siêu thị tăng cường 10 nhân viên phụ trách kiểm tra đơn hàng, soạn, giao hàng cho khách và sử dụng thêm dịch vụ giao hàng nhanh bên ngoài. Và nhờ lượng khách tăng thêm, khối lượng công việc nhiều, thu nhập của các nhân viên giao hàng cũng tăng từ 20%-30% so với trước”.
 
Anh Nguyễn Trường Hận, nhân viên giao hàng của Công ty Ninja Van, cho biết, những ngày qua, công việc của anh vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Anh chỉ làm giờ hành chính, nhưng thu nhập vẫn đảm bảo từ 7-8 triệu đồng/tháng. Tương tự, em Phát Toàn, ở quận Ninh Kiều, đang học lớp 11 cũng tranh thủ những ngày nghỉ học, làm nhân viên giao hàng cho công ty Sky Ship, mỗi ngày kiếm được trên 200.000 đồng.
 
Anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Công ty Cổ phần Citiship Cần Thơ, cho biết: “Các đơn hàng đi chợ, siêu thị giùm tăng lên khoảng 30% so với trước. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty tăng cường lực lượng nhân viên giao hàng với 70 người. Mỗi ngày làm việc, nhân viên giao hàng của công ty có mức thu nhập trung bình khoảng 400.000 đồng/người. Và bắt đầu từ cuối tháng 3-2020, nhiều hàng quán đóng cửa, nhân viên giao hàng của công ty khó tìm được chỗ ăn nên tôi triển khai thêm dịch vụ nấu cơm văn phòng giao tận nơi, vừa phục vụ nhân viên của công ty, vừa nhận đơn đặt hàng của khách cũng khá tốt”. Ý thức được việc các nhân viên giao hàng là những người di chuyển và tiếp xúc nhiều nên anh Thành Nhân trang bị thêm nước rửa tay sát khuẩn cho nhân viên đem theo bên mình và yêu cầu nhân viên tuân thủ tốt các quy định đeo khẩu trang, bao tay và giữ khoảng cách an toàn với khách hàng.
 
Do tình hình dịch bệnh, việc kinh doanh, mua bán của người dân có sự thay đổi tạm thời, kéo theo việc làm, thu nhập của lao động ở các ngành nghề cũng có ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, chuyển đổi việc làm, hình thức kinh doanh thích hợp, người lao động sẽ phần nào vơi bớt khó khăn. Đặc biệt, dù lao động, kinh doanh ở lĩnh vực nào, mọi người đều tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch đã tích cực góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh để đời sống người dân nhanh chóng ổn định trở lại.
 
MỸ TÚ - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống