Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả

Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 14:01 (GMT+7)
Bên cạnh kinh nghiệm canh tác của nông dân thì sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của ngành chuyên môn đã giúp bà con tiếp cận hiệu quả với mô hình mới cũng như cải tiến mô hình mà mình đang canh tác. Khi được áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
 
Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả
 
Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả
Nhờ hiệu quả mang lại, mô hình trồng nấm rơm dạng trụ được nhân rộng ở nhiều địa phương
 
Là nông dân có kinh nghiệm trồng nấm rơm 10 năm nay, anh Dương Văn Tài (xã Vĩnh Lợi, Châu Thành, An Giang) rất phấn khởi với mô hình trồng nấm rơm dạng trụ. Đây là mô hình được các kỹ sư của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành hướng dẫn và triển khai thực nghiệm từ năm 2019.
 
Trước đây, cũng như bao nông dân trồng nấm theo kiểu truyền thống, anh Tài đã gắn bó với mô hình trồng nấm rơm ngoài trời nhiều năm liền nên hiểu hết những khuyết điểm của cách làm này.
 
“Điểm yếu lớn nhất của việc trồng nấm rơm ngoài trời là chịu tác động rất lớn từ thời tiết, nấm rơm lại là loại nhạy cảm, chỉ cần sự thay đổi nhỏ của độ ẩm, nhiệt độ đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành nấm, năng suất và chất lượng nấm” - anh Tài giải thích.
 
Cách đây vài năm, phong trào trồng nấm rơm trong nhà được các ngành chuyên môn phổ biến đến người dân, anh Tài nhanh nhạy nắm bắt thông tin và triển khai thực hiện. Đầu tiên, anh Tài cho cất trại rồi đưa rơm chất lên kệ, bắt đầu thử nghiệm trồng nấm rơm trong nhà, với sự hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành.
 
“Đợt đầu tiên thu hoạch cho năng suất cao hơn nhiều so với kiểu chất rơm ngoài trời. Tuy nhiên, qua 1-2 vụ tiếp theo, mình cảm thấy mô hình vẫn chưa thật sự ưu việt lắm, còn nhiều khuyết điểm, nhất là rất khó kiểm soát nhiệt độ, chưa tận dụng được hết bề mặt của rơm để tạo nấm...” - anh Tài nhận định.
 
Từ tháng 5-2019, anh Tài tham gia thử nghiệm trồng nấm theo dạng trụ, đây là đề tài nghiên cứu của kỹ sư Nguyễn Thị Dàng (Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành). Theo đó, tại nhà của anh Tài, đề tài cho xây dựng 2 mô hình thử nghiệm trồng nấm rơm dạng trụ và nấm rơm dạng kệ từ nguồn rơm tự ủ, mỗi trại nấm có diện tích 42m2. Sau thời gian trồng thực nghiệm, kết quả đã chứng minh được ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm dạng trụ so với kiểu chất kệ, như: dễ chăm sóc, nhiệt độ, độ ẩm tốt, nhờ vậy tơ khỏe, nấm nhiều hơn...
 
“Thời gian có nấm sớm mà lại kéo dài nên năng suất nấm cao hơn so với các cách trồng nấm trước đây. Nấm to, đẹp, giá trung bình từ 60.000 đồng/kg trở lên. Cách làm nấm rơm theo dạng trụ khắc phục được nhược điểm của kiểu chất kệ, đây là chuyện vui với những người trồng nấm như tôi” - anh Tài phấn khởi.
 
Thành công ngay từ vụ đầu tiên, anh Tài nhanh chóng nhân rộng mô hình trên 3 trại nấm, với diện tích 450m2. Ở mỗi trại nấm, cứ 1m2, anh Tài cho đặt 4 trụ nấm. Nhờ tận dụng được các mặt diện tích của rơm để cho nấm nên năng suất mỗi trụ thu được khoảng 3kg nấm.
 
“Hiệu quả dễ thấy nhất là trụ nấm chất dễ, gọn gàng, ít tốn chi phí, sau khi thu hoạch thì hôm sau có thể tiến hành làm đợt tiếp theo mà không lo trại dơ, nhiễm bệnh cho nấm đợt sau. Rơm chỉ việc ủ sẵn rồi đưa vào trại, nhưng nhớ phối trộn thêm bông vải, đây chính là bí quyết để nấm đạt năng suất hơn”- anh Tài chia sẻ.
 
Theo chị Phạm Thị Như (kỹ sư tại Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành), mô hình trồng nấm rơm dạng trụ thể hiện rõ hiệu quả hơn so với nhiều cách trồng nấm trước đây, như: trồng theo kiểu ngoài trời hay trồng trong nhà theo kiểu chất kệ. Sau khi triển khai hội thảo ở xã Vĩnh Lợi, nhiều nông dân trồng nấm trong xã và ngoài xã, như: Vĩnh Hanh, Vĩnh Thành và TP. Long Xuyên đã mạnh dạn áp dụng trồng theo kiểu chất trụ. Một số nơi ở TP. Châu Đốc đang nhờ tư vấn để nông dân trên địa bàn có thêm cơ hội tiếp cận với một mô hình hiệu quả này.
 
Với thành công của mô hình sẽ là hướng đi mới cho bà con nông dân ở các địa phương trong nâng cao, nhân rộng hiệu quả kinh tế từ việc trồng nấm, cũng như tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
 
ÁNH NGUYÊN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống