Hội viên phụ nữ huyện Cao Lãnh có thêm thu nhập với nghề đan lục bình
Đến tháng 3/2020, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện kịp thời, đúng quy định. UBND huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lãnh triển khai các giải pháp, vận động hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách; vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ 900 triệu đồng xây dựng 19 căn nhà. Các đơn vị đã tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 20.000 phần quà với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Triển khai hiệu quả các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng... tổ chức các hoạt động thăm, giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn, sửa chữa nhà ở, viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, UBND huyện, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả như mô hình “3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, mô hình “Liên kết sản xuất” của Hội Nông dân, mô hình “9+1, 9 hộ khá giúp 1 hộ nghèo” của Hội Cựu chiến binh. Các câu lạc bộ (CLB) như CLB Thanh niên làm kinh tế, 2 thanh niên khá hỗ trợ 1 thanh niên nghèo; đồng hành cùng thanh niên tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... Hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn có nơi ở ổn định, vươn lên thoát nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Cao Lãnh đã triển khai các dự án vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở có nhu cầu sửa chữa, cất mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai, hỗ trợ, xây dựng 13 căn nhà, sửa chữa 31 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng 50 nhà tiêu hợp vệ sinh, 15 bể lọc nước...
Thực hiện các giải pháp căn cơ giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn về nhu cầu việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống, UBND huyện Cao Lãnh chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, UBND các xã, thị trấn khảo sát, đào tạo nghề theo nhu cầu lao động nông thôn. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các đơn vị mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút hơn 600 học viên học nghề. Lao động sau khi học nghề tự tạo việc làm, có thu nhập từ 100.000 đồng – 200.000 đồng/ngày. UBND huyện quan tâm khôi phục các nghề truyền thống, gắn việc đào tạo và tạo việc làm. Tại ấp 4, xã Mỹ Hiệp có khoảng 400 lao động làm nghề đan thảm lục bình thu nhập dao động từ 3 triệu đồng/người/tháng. Tại ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ có khoảng 200 lao động duy trì nghề đan lục bình tại chỗ với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được cấp ủy, UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Cao Lãnh phối hợp chỉ đạo thực hiện mang lại kết quả tích cực. Qua vận động, tư vấn, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 73 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi lao động có thu nhập mỗi tháng từ 15 triệu – 25 triệu đồng. Hiện có 114 lao động đang học định hướng chờ xuất cảnh. Các thành viên Tổ tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn thường xuyên đi xuống cơ sở vận động, tuyên truyền người dân tham gia các lớp học nghề, việc làm, đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua tư vấn, tuyên truyền, từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2020 có hơn 2.000 lượt lao động có việc làm trong và ngoài tỉnh. Tập trung chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo có cuộc sống ổn định, UBND huyện, xã, thị trấn, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội huyện tiếp tục triển khai nhiệm vụ vận động người dân tham gia các lớp nghề tại chỗ, tư vấn giới thiệu việc làm trong, ngoài tỉnh. Kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, các công ty, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh về định hướng đào tạo, việc làm; xem xét các chính sách hỗ trợ lao động khi đăng ký tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
C.Phương - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)