Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới

Thứ bảy, 02 Tháng 5 2020 07:19 (GMT+7)
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), TP Cần Thơ tập trung nâng cao năng lực thực hiện công tác BĐG; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG và VSTBPN; lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản, tổ chức hoạt động, triển khai thực hiện các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực...
Các đại biểu là cán bộ phụ trách công tác BĐG và VSTBPN của các địa phương, đơn vị tham dự Hội thảo "Định hướng công tác BĐG trong thời gian tới" do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tổ chức năm 2019.
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, công tác quản lý nhà nước về BĐG trên địa bàn được quan tâm thực hiện ở nhiều khía cạnh. Bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác BĐG, các sở, ban, ngành và địa phương còn chú trọng tham mưu, lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản, hoạt động chuyên môn; triển khai mô hình, tổ chức các hội thảo chuyên đề về BĐG… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về việc thực hiện pháp luật BĐG được tích cực triển khai; công tác thống kê số liệu và báo cáo về tình hình thực hiện BĐG tại địa phương cũng được quan tâm. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG.
 
Trên cơ sở kế hoạch năm của Ban VSTBPN thành phố, các quận, huyện, các thành viên của Ban VSTBPN các cấp tích cực triển khai tuyên truyền về BĐG và các hoạt động VSTBPN đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các Hội, đoàn thể tổ chức tập huấn, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về BĐG vào các lớp tập huấn của ngành, địa phương. Qua đó, từng bước giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG, nhất là các kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với phụ nữ và các quy định pháp luật liên quan đến bạo lực; áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn công tác, góp phần giải quyết những vấn đề trọng tâm của công tác BĐG...
 
Hằng năm, huyện Cờ Đỏ tổ chức 3-4 lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn của các ngành về nội dung phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, nghiệp vụ BĐG, công tác gia đình…; tổ chức các cuộc kiểm tra về thực hiện công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình;… Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ, bộc bạch: “Tôi được phân công phụ trách công tác BĐG từ năm 2018. Lúc đầu nhận nhiệm vụ, tôi cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Nhờ được cử tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về BĐG; đồng thời tích cực học hỏi, tự trau dồi, nghiên cứu tài liệu về BĐG,… tôi đã dần tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
 
Huyện Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác BĐG. Phòng LĐ-TB&XH huyện đã nỗ lực trong tham mưu, quản lý nhà nước, triển khai hiệu quả các mô hình điểm về BĐG trên địa bàn. Qua đó, giúp nhiều phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò của mình, tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương… Chị Trần Thị Diễm Trang, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BĐG, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Chương trình quốc gia về BĐG, huyện đã tích cực chỉ đạo công tác kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Ban VSTBPN huyện; trong đó cơ cấu đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai nhiệm vụ công tác. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về BĐG trên địa bàn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc: việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét; việc lồng ghép công tác BĐG với các hoạt động chuyên môn của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể. Công tác thông tin, báo cáo về BĐG chưa kịp thời; số liệu thống kê, báo cáo còn thiếu sự tách biệt về giới; công tác tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu còn khó khăn...”.
 
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH thành phố tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động truyền thông BĐG; nâng cao năng lực thực hiện công tác BĐG và VSTBPN; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát hoạt động VSTBPN và tình hình thực hiện pháp luật về BĐG; tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác BĐG và VSTBPN; tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
 
Bài, ảnh: QUỲNH LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống