Tháng 4-2019, xoài của HTX Mỹ Xương (tỉnh Đồng Tháp) chính thức xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: MỸ THANH
Hướng đến sản xuất hữu cơ
Ông La Văn Nhiều là một trong những hộ tiên phong sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Từng trái mãng cầu trong vườn từ khi còn nhỏ đã được ông cẩn thận quét sạch sâu bệnh, sau đó, bọc trong túi cho đến ngày thu hoạch. Với quy trình này, ông giảm được hơn phân nửa số lần phun xịt thuốc. Ông Nhiều chia sẻ: Ngày xưa không ai áp dụng bao trái, nên bị ruồi đục trái, bẻ bán không được. Năm 2014, tôi xem trên mạng thấy nhà vườn Đồng Tháp bao lưới nên tôi làm theo, trái thu hoạch có màu đẹp, bóng, bán giá trên 30.000 đồng/kg.
Để theo đuổi quy trình sản xuất sạch không phải là chuyện dễ dàng. Năm đầu tiên thực hiện sản xuất theo quy trình sạch, ai cũng ái ngại cho ông. Bởi chỉ riêng việc bao trái cho cả vườn như vậy phải tốn trên dưới 16 triệu đồng. Tuy nhiên, với quyết tâm cùng sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, sau 5 năm thực hiện, ông Nhiều ngày càng tự tin áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch. Sản phẩm của ông luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Với 850 gốc mãng cầu xiêm, năm trước ông thu hoạch được 24 tấn trái. Tổng số tiền bán ra hơn 260 triệu đồng. Nhớ lại những khó khăn đã trải qua, ông càng thấy quyết định của mình đúng đắn.
Giờ đây, không chỉ có ông Nhiều mà tất cả các thành viên trong Hợp tác xã (HTX) mãng cầu Hòa Mỹ ở huyện Phụng Hiệp đều lựa chọn sản xuất theo hướng VietGAP. Với diện tích sản xuất gần 80ha, tổng sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, các sản phẩm đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường. Hiện nay, tại Hậu Giang, mãng cầu là loại cây trồng đóng góp giá trị kinh tế đứng thứ 3, sau sầu riêng và mít.
Ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, cho biết: Diện tích, sản lượng mãng cầu xiêm của tỉnh tăng trưởng rất nhanh. 1.000m2 mãng cầu cho thu nhập gấp 5-6 lần làm 1 công lúa hoặc trồng mía, nên nhà vườn rất phấn khởi.
Tại HTX xoài Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, những buổi trao đổi kinh nghiệm đã trở nên quen thuộc. Các xã viên cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm. Đến nay, chuyện ghi chép sổ sách từng số liệu hay chi tiết kỹ thuật không còn làm khó bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch HĐQT HTX xoài Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, chia sẻ: HTX trước hết họp Hội đồng quản trị thông qua danh sách thành viên, ai làm ăn tốt, có đất đai, học vấn, tích cực tham mô hình, sẽ được tập trung lại, bàn bạc, nếu bà con thống nhất sẽ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn được chọn. Còn những bà con cũng là thành viên HTX nhưng không nằm trong danh sách đó thì vẫn sản xuất theo nội dung quy định của HTX để đảm bảo an toàn chất lượng nông sản...
Với cách làm bài bản, khoa học, HTX xã xoài Tân Thuận Tây đã thu hút được 120 thành viên, tổng diện tích 110ha so với 60 thành viên ban đầu. Đặc biệt, hiện HTX có một thành viên là công ty thu mua. Nếu thị trường bất ổn, công ty này sẽ tổ chức mua lại, đảm bảo cho bà con luôn có lãi cao hơn bên ngoài từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Vì lợi ích cộng đồng
Ở vùng đất phèn xã biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, Long An vốn chỉ có tràm, khóm, khoai thì nay có một vườn chuối bạt ngàn rộng 240ha chuyên trồng để xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc. Tại đây, các công đoạn đều được áp dụng máy móc hiện đại, giúp tiết giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết: Chuối cho trái quanh năm, mỗi ngày 2 trang trại có 1.500 buồng chuối, vì vậy khách hàng của công ty rất yên tâm về nguồn cung. Đây là ưu thế rất lớn của công ty trong cạnh tranh.
Bén rễ tại vùng trồng trái cây ở ĐBSCL là hàng loạt nhà máy, cùng những dây chuyền sản xuất hiện đại. Khảo sát cho thấy, hiện cả nước có khoảng 11 nhà máy chế biến có quy mô lớn với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Một trong những xu hướng thương mại nông sản năm nay là sấy khô, sấy dẻo lên ngôi vì đây là nhu cầu của giới trẻ. Đặc biệt là những thị trường trọng điểm Bắc Mỹ, Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để chinh phục.
Năm 2019 vừa qua, nông sản ĐBSCL đón nhận nhiều tin vui khi có 6 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ: vải thiều, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm và nhãn. Theo đó, toàn bộ đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đạt chuẩn về kích cỡ nên giá cũng cao hơn khoảng 10-15% so với các thị trường khác. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra triển vọng lớn đối với ngành nông nghiệp của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi ở Mỹ lên tới 12 triệu tấn, trong khi nước này chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Số còn lại tương đương 3,6 triệu tấn phải nhập khẩu. Trong khi đó, lượng trái cây Việt Nam xuất sang Mỹ hiện chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó mắc xích quan trọng vẫn là liên kết doanh nghiệp - nông dân.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Doanh nghiệp cũng yên tâm đã có vùng nguyên liệu của mình, mà đặc biệt là vùng nguyên liệu này sản xuất ra trái cây đáp ứng được tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu yêu cầu. Như vậy mối liên kết doanh nghiệp và nông dân mang lại lợi nhuận cho cả 2 bên, ổn định cho sản xuất và xuất khẩu.
Trong từng mảnh vườn, mỗi gốc cây đều lớn lên bằng chính tâm huyết của người nông dân. Tâm huyết đó không chỉ là ước mơ làm giàu cho bản thân và gia đình mà quan trọng hơn, đó là mong muốn mang đến sản phẩm sạch cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Từ đó, khuyến khích và lan tỏa xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất sạch vì lợi ích của chính người nông dân và cộng đồng.
Hoàng Khoa - Huy Hiếu - (cantho.com.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)