Nâng cao thu nhập từ trồng mướp theo hướng an toàn

Thứ hai, 25 Tháng 5 2020 14:09 (GMT+7)
Mướp dễ trồng, chăm sóc đơn giản, đầu ra đảm bảo và giá cả ổn định… đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đưng (ngụ ấp Cây Me, xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang) sau khi thực hiện mô hình trồng mướp theo hướng an toàn. Đây được xem là mô hình kinh tế mới, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nông dân địa phương.
 
Châu Lăng là xã thuần nông, với tổng diện tích nông nghiệp gần 3.260ha. Những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân có nhiều chuyển biến tích cực: hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp; việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được cải thiện; trình độ sản xuất người dân ngày càng được nâng cao...
 
Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được địa phương và nông dân quan tâm thực hiện. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hiệu quả mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Trong đó có thể kể đến mô hình trồng mướp an toàn của nông dân Nguyễn Văn Đưng (ấp Cây Me). Mô hình mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 70 triệu đồng trong vụ đầu tiên.
 
Ông Đưng cho biết, trước đây, phần đất 2.500m2 của gia đình chủ yếu sản xuất lúa. Tuy nhiên, việc canh tác lúa thời gian qua gặp nhiều khó khăn do sâu hại, dịch bệnh ngày càng gia tăng; tình hình thời tiết diễn biến cực đoan và biến đổi thất thường; tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra…
 
Do đó, ông Đưng luôn trăn trở để tìm kiếm mô hình canh tác mới trên nền diện tích đất của gia đình, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình.
 
 
Trồng mướp theo hướng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Đưng
 
Vốn có niềm đam mê với nghề nông, đặc biệt là đối với việc trồng rau an toàn nên mỗi khi địa phương tổ chức lớp tập huấn, dạy nghề sản xuất nông nghiệp là ông Đưng đều tích cực tham gia. “Trong những lần đi tham quan mô hình sản xuất hiệu quả tại huyện Châu Phú (An Giang) và một số nơi của tỉnh bạn, thấy địa phương giới thiệu mô hình trồng mướp an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình cũng như tận dụng được thời gian nhàn rỗi nên tôi quyết định thử nghiệm với diện tích 2.500m2” - ông Đưng chia sẻ.
 
Sau mùa canh tác đầu tiên, ông Đưng cho biết, việc canh tác mướp theo hướng an toàn thực hiện không quá khó. Điểm khác biệt là trong quá trình chăm sóc, ông hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc hóa học; đảm bảo thời gian cách ly của thuốc. Nhờ vậy, người tiêu dùng ưa thích, từ đó lợi nhuận tăng cao so với canh tác truyền thống.
 
“Mướp từ lúc trồng đến thu hoạch mất khoảng 45 ngày. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi hái từ 300-400kg mướp. Mướp trái đẹp nên được thương lái mua với giá cao, từ 7.000-12.000đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận trên 70 triệu đồng” - ông Đưng chia sẻ.
 
Nhận thấy mô hình trồng mướp theo hướng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, ông Đưng dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác. Đồng thời, trồng luân canh thêm các loại rau như: cải ngọt và cải xanh… để tái tạo đất và tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 
Với kỹ thuật trồng đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, đầu ra dễ tiêu thụ mô hình trồng mướp theo hướng an toàn của gia đình ông Nguyễn Văn Đưng được địa phương đánh giá cao. Mô hình này đã giúp ông Đưng cải thiện kinh tế gia đình, vì có nguồn thu nhập tốt.
 
Hiện nay, mô hình trồng mướp theo hướng an toàn của gia đình ông Nguyễn Văn Đưng là một trong những điển hình trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, được giới thiệu rộng rãi để mọi người đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nếu có nhu cầu.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đánh giá cao mô hình trồng mướp an toàn của ông Đưng, cũng như các mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn xã Châu Lăng. Bước đầu các mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả kinh tế, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định. Mô hình trồng mướp theo hướng an toàn rất dễ thực hiện, đồng thời tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi của bà con và diện tích đất hiện có nên giúp bà con nông dân tăng thêm nguồn thu nhập.
 
“Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia mô hình sản xuất này. Từ đó tiến tới thành lập các tổ liên kết để giúp bà con nông dân thuận tiện hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác.
 
Đồng thời, nghiên cứu để vận dụng những chương trình, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.
 
 
ĐỨC TOÀN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống