Những món ngon, hấp dẫn từ cá thát lát

Thứ năm, 04 Tháng 6 2020 14:21 (GMT+7)
Trước thực trạng đầu ra bấp bênh của nghề nuôi thủy sản, anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Bình Thành, xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang) đã quyết định đầu tư quy trình khép kín cho con cá thát lát, từ khâu ươm giống, nuôi cá nguyên liệu cho đến sản xuất thành các sản phẩm hấp dẫn, đưa ra thị trường tiêu thụ. Để quảng bá đặc sản địa phương, anh đã đăng ký tham gia Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang.
 
Người đam mê với thủy sản
 
Vừa rẽ vào đình chánh Quản cơ Trần Văn Thành (ấp Bình Thành, xã Phú Bình), hỏi nhà anh Nguyễn Thanh Tùng hầu như ai cũng biết. Anh là một trong những người đầu tiên mang bột cá thát lát cườm từ tỉnh Hậu Giang (địa phương nổi tiếng với nghề nuôi cá thát lát) về ươm giống, phát triển nghề nuôi ở vùng cù lao Phú Tân.
 
Hiện nay, gia đình anh có khoảng 20ha nuôi cá giống và cá thát lát thịt. “Trước đây, tôi cũng có nuôi heo, ươm cá lóc giống, nuôi cá lóc thịt… Tuy nhiên, nhận thấy cá thát lát cườm là loài thủy sản mới có giá trị kinh tế, nhiều tiềm năng phát triển nên quyết định đầu tư mạnh vào khâu sản xuất giống và nuôi cá nguyên liệu” - anh Tùng thông tin.
 
Anh Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu sản phẩm từ cá thát lát
 
Từ mô hình của anh Tùng, nhiều hộ nuôi thủy sản ở xã Phú Bình đã mua con giống, nhân rộng nghề nuôi cá thát lát cườm. Bên cạnh nuôi cá thịt, con giống từ đây còn được bán ngược lại cho vùng nuôi cá thát lát nguyên liệu ở tỉnh Hậu Giang.
 
“Khi sản lượng cá thát lát nuôi nhiều, bắt đầu xuất hiện tình trạng giá cả trồi sụt, bấp bênh. Không ít lần đến kỳ thu hoạch cá, người nuôi bị thương lái ép giá. Tôi chợt nghĩ, tại sao mình không chế biến những sản phẩm cá thát lát từ chính vùng nguyên liệu của mình. Khi khép kín được quy trình từ nuôi trồng tới bàn ăn, mình sẽ không lo bị ép giá” - anh Tùng chia sẻ.
 
Từ năm 2016, anh Tùng bắt đầu thử nghiệm chế biến các sản phẩm từ cá thát lát như: chả cá thát lát tươi, cá thát lát để nguyên con muối sả ớt, chả cá thát lát tẩm gia vị. Anh còn nghiên cứu quy trình sản xuất chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị (giữ nguyên phần hình thể con cá, lấy phần thịt cá bên trong tách hết xương ra, xay thành chả, tẩm gia vị rồi đưa trở vô thân cá, tạo hình như nguyên con cá ban đầu).
 
Được sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn tỉnh, anh Tùng đã đưa mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, làm hồ sơ tự công bố sản phẩm. Để tiện cho việc kinh doanh, anh Tùng đã thành lập Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng (trụ sở tại tổ 10, ấp Bình Thành, xã Phú Bình).
 
Chú trọng an toàn
 
Bên cạnh tự khép kín quy trình sản xuất an toàn, nâng cao giá trị của con cá thát lát, công ty của anh Nguyễn Thanh Tùng còn giúp tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động, có khi 10 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
“Để đạt yêu cầu trọng lượng về quy cách đóng gói, tôi chọn cá nguyên liệu có trọng lượng 500-600gr/con. Cá được lấy mẫu kiểm kháng sinh, nếu không đạt yêu cầu sẽ thả lại, bắt ở ao nuôi khác. Cá sau khi bắt lên bờ, được móc bỏ nội tạng, ướp đá ngay để giữ tươi rồi chở về nhà máy sản xuất. Tại đây, công nhân sẽ làm vảy, loại bỏ những phần thừa không sử dụng và vệ sinh cá sạch sẽ. Cá được đưa vào fillet, rút xương, nạo chả, đưa qua bộ phận kiểm soát (kiểm tra, gắp bỏ những phần xương sót lại). Tùy theo làm chả tươi, chả tẩm gia vị hay chả cá rút xương mà có quy trình xử lý khác nhau. Sau đó, sản phẩm được đóng gói, dán nhãn, hút chân không và cấp đông ngay” - anh Tùng giới thiệu.
 
Anh cho biết thêm, trong quá trình sản xuất, nước thải được dẫn ra hệ thống ao lắng lọc (qua ao lớn rồi ao nhỏ) trước khi xả ra môi trường để tránh ô nhiễm.
 
Hiện nay, bên cạnh tiêu thụ tại chỗ, các sản phẩm từ cá thát lát của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng đã có mặt ở Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc). Anh Nguyễn Thanh Tùng còn liên hệ cung cấp sản phẩm cho các quán ăn, thợ nấu đám tiệc trên địa bàn An Giang, xây dựng được đại lý phân phối ở một số tỉnh, đại lý phân phối tại TP. Hồ Chí Minh.
 
“Trước khi lập công ty sản xuất, tôi đã tự nghiên cứu tài liệu, quy trình sản xuất, dùng thử sản phẩm của một số đơn khác. Từ đó, nghiên cứu cách tẩm ướp sao cho sản phẩm mang hương vị đậm đà, đặc trưng của miền Tây. Trong quá trình sản xuất, sản phẩm được giữ tươi từ khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng. Tâm niệm của tôi là phải tạo ra sản phẩm ngon, an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý để mọi người đều có cơ hội thưởng thức” - anh Tùng nhấn mạnh.
 
 
Anh Nguyễn Thanh Tùng đã gửi hồ sơ tham gia Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang (OCOP_AG) đối với 2 sản phẩm: chả cá thát lát tẩm gia vị (chả đóng gói) và chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị (giữ nguyên hình thể con cá thát lát khi đóng gói). Khi được gắn thương hiệu đặc sản An Giang, sản phẩm sẽ có cơ hội quảng bá, phân phối rộng rãi hơn.
 
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống