Tại An Giang, cây đậu nành rau được trồng nhiều ở Châu Phú và Chợ Mới. Đây là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, nên phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân. Đó là chưa kể đến việc canh tác cây đậu nành rau còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt cho những vùng đất đã canh tác lúa lâu năm. Năm 2017, qua tìm hiểu thị trường và sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, ông La Tráng Kiện (xã Vĩnh Thành, Châu Thành) đã chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa sang trồng đậu nành rau.
Theo đó, ông Kiện trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) với mức giá 10.500 đồng/kg, khi thu hoạch đạt chất lượng (không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) còn được nhận thưởng bằng cách tăng giá sản phẩm cho nông dân.
“Sau thời gian trồng từ 70-75 ngày, cây đậu nành rau đạt năng suất bình quân từ 1,2-1,3 tấn/1.000m2, lợi nhuận thu được 6-7 triệu đồng/1.000m2” - ông Kiện cho hay. Thấy được tính hiệu quả từ cây đậu nành rau mang lại, ông Kiện mạnh dạn chuyển đổi 2,2ha đất của gia đình và thuê thêm 3ha đất để canh tác cây đậu nành rau.
Nhờ lựa chọn cây trồng hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập
Khi trồng đậu nành rau, nông dân phần nào yên tâm bởi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết với DN. Bên cạnh đó, có thể sản xuất 4 vụ/năm, vừa nâng cao hệ số vòng quay của đất, vừa giúp cải thiện rất tốt cho độ màu mỡ của đất. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hợp đồng với DN tạm thời bị gián đoạn một thời gian, đến khoảng tháng 8 - 9 tới đây sẽ bắt đầu kết nối để tiếp tục sản xuất.
Trong khoảng thời gian này, sau khi thỏa thuận xong với công ty, ông Kiện không để đất trống mà thu hẹp diện tích xuống còn 1ha, tìm nguồn giống ở ngoài về canh tác. Đến nay đã thu hoạch được vài đợt, bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất vẫn là thị trường TP. Hồ Chí Minh với giá cả khá ổn định. Do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nên ông Kiện canh tác đậu nành rau theo kiểu “cuốn chiếu”, mỗi lần thu hoạch vài công đất, đủ số lượng để cung ứng liên tục cho đầu mối.
Ngoài ra, ông Kiện mở rộng diện tích trồng lúa, với giống ST24 được liên kết đầu ra với DN hẳn hoi. Theo ông Kiện, vụ đông xuân vừa rồi, hợp đồng liên kết DN có giá 7.300 đồng/kg. Vụ này, ông Kiện tiếp tục tăng diện tích canh tác lên 5ha, vẫn ký liên kết với công ty nhưng giá sẽ được tính tại thời điểm thu hoạch.
“Trước đây, giống lúa ST24 được giới thiệu ở địa phương, tôi thấy hiệu quả nên cùng với bà con liên kết lại cùng nhau hợp tác với DN để canh tác. Tuy có thời gian canh tác dài (khoảng 100 ngày), nhưng nông dân có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, áp dụng những biện pháp kỹ thuật an toàn nên năng suất và chất lượng đều đạt theo hợp đồng được ký kết ban đầu” - ông Kiện thông tin.
Vẫn chuyển đổi từ đất lúa, nhưng nông dân Nguyễn Ngọc Châu (ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) lại chọn cây na hoàng hậu để canh tác trên 1ha đất của gia đình. Đây là giống cây trồng mới ở An Giang, tuy nhiên qua quá trình canh tác cho hiệu quả rất khả quan.
Trước đó, ông Châu đã tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất ở TP. Cần Thơ, do thấy được tính hiệu quả của mô hình nên đã chuyển đổi sang trồng cây na hoàng hậu. Sau 2 năm trồng, na hoàng hậu đã bắt đầu cho trái, mỗi trái có trọng lượng từ 0,7-1kg, bán với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg, mỗi đợt thu hoạch khoảng 4 tấn trái. Cây trồng phát triển tốt, năng suất mang lại rất khả quan và phấn khởi hơn hết là ông Châu còn kết nối được với Công ty TNHH TMDV Nông Đạt Phát bao tiêu nông sản đầu ra.
Theo ông Châu, muốn na hoàng hậu đạt hiệu quả cần lưu ý một số kỹ thuật canh tác như: lên liếp, tạo rãnh thoát nước, cắt cành, tạo tán... “Đặc biệt, là kỹ thuật bao trái, khi trái lớn thì phải thay bao lớn hơn, như vậy trái sẽ có màu đẹp, không bị sâu bệnh tấn công, bán có giá hơn” - ông Châu chia sẻ. Đến nay, ông Châu đã chuyển đổi thêm 1ha trồng mãng cầu xiêm sang trồng na hoàng hậu, dự kiến đầu năm 2021 sẽ thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa trĩu quả.
ÁNH NGUYÊN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)