10 năm gần đây, giống nhãn xuồng cơm vàng đã không phụ lòng bà con nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) khi mang lại hiệu quả rất tốt. Dù xuất phát điểm, cây nhãn xuồng cơm vàng không là giống bản địa, nhưng lại bén rễ, thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Với diện tích nhãn xuồng cơm vàng ở Khánh Hòa như hiện nay, chủ yếu được bà con nông dân chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng nhãn.
Những năm đầu, diện tích trồng còn tương đối ít, tuy nhiên những năm gần đây do thấy được hiệu quả nên bà con đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang trồng cây nhãn. Nhờ vậy, diện tích nhãn hiện tại trên địa bàn tăng khá nhanh, chủ yếu tập trung ở các ấp: Khánh An, Khánh Mỹ và một số địa phương lân cận.
Bên cạnh giá bán cao, nhãn xuồng cơm vàng được trồng ở xã Khánh Hòa còn thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội như: cơm vàng dày, hạt nhỏ, mùi ngọt thanh rất ngon. Chưa hết, so với nhiều giống nhãn khác trên thị trường thì nhãn xuồng cơm vàng còn có đặc tính kháng bệnh cao, nhất là bệnh chổi rồng gây hại, dễ chăm sóc, nhẹ chi phí canh tác... nên được nhiều người nông dân lựa chọn để chuyển đổi mô hình sản xuất.
Trước đây, anh Đào Phi Hùng (nông dân ấp Khánh An) chỉ lựa chọn chuyển đổi diện tích đất của gia đình sang canh tác gần 3 công đất nhãn xuồng cơm vàng, nay đã tăng lên gấp đôi.
Theo anh Hùng, sau thời gian thử nghiệm trồng nhiều loại cây trồng, nhận thấy nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng nhất, lại nhẹ công chăm sóc cũng như chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu bệnh rất ít.
“Nhãn xuồng cơm vàng là loại trái cây sạch vì hầu như ngoài xịt thuốc dưỡng từ lúc khiển cho cây ra hoa, đậu trái thì cho đến lúc thu hoạch trái thì mặc nhiên không sử dụng loại thuốc hóa học nào cả, nhiều lắm chỉ bón lót bằng phân bò để cải tạo đất tăng độ màu mỡ, giúp cây, trái phát triển tốt” - anh Hùng cho hay.
Trong thời gian chờ nhãn cho trái, nông dân ở địa phương còn tận dụng để trồng xen các loại rau màu, coi như “lấy ngắn nuôi dài”, tăng thu nhập rất đáng kể.
Vườn nhãn xuồng cơm vàng của anh Hùng
2 năm đầu, anh Hùng cho nông dân khác thuê diện tích đất mặt để trồng các loại rau ăn lá. “Bà con trồng rau màu nên tưới nước, bón phân, cải tạo đất thường xuyên giúp nhãn phát triển rất nhanh, cây cao, tán rộng, đủ sức khiển ra trái sau 3 năm xuống giống” - anh Hùng giải thích thêm.
Sau thời gian này, anh Hùng cho trồng cây ngãi bún ở những khoảng đất trống trong vườn nhãn. Như vậy, vừa có được thu nhập từ cây nhãn xuồng cơm vàng, anh Hùng còn kiếm thêm được thu nhập từ việc tận dụng hiệu quả diện tích đất trong vườn, rất nhanh lấy lại vốn đầu tư ban đầu.
Hiện tại, nhiều vườn nhãn ở xã Khánh Hòa đã cho trái lai rai, do là thời điểm đầu vụ nên giá bán khá cao, thương lái đến tận vườn thu mua với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm, nếu muốn bán nhãn xuồng cơm vàng giá cao, bà con nên khiển nhãn cho trái sớm, khoảng đầu tháng 5 (âm lịch) là hay nhất, vì thời điểm này hàng ít nên giá cao.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, anh Đỗ Văn Phước (khóm Hòa Thuận, thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa của gia đình sang trồng các loại hoa màu. Đây là phần diện tích đất gò nằm trong 2,5ha mà trước giờ anh Phước chỉ chuyên canh trồng lúa, dù không mang lại hiệu quả cao.
Đã tiếp cận được kỹ thuật từ các lớp tập huấn, thêm tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu, anh Phước đã đa dạng nhiều giống cây trồng trên diện tích chuyển đổi, theo hướng “mùa nào, thức nấy”, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, mùa rồi, anh Phước trồng xen cây ớt, bắp... nhờ bán được giá và có năng suất nên thu lợi nhuận rất khả quan.
Bằng các mô hình hiệu quả, thay đổi tập quán sản xuất, lựa chọn những giống cây trồng mới, phù hợp với quy hoạch của địa phương sẽ giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
ÁNH NGUYÊN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)