Xót lòng trẻ em lao động sớm

Chủ nhật, 28 Tháng 6 2020 09:38 (GMT+7)
Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, thế nhưng vì cuộc sống nghèo khó mà nhiều trẻ em phải sớm theo cha mẹ đi lao động kiếm tiền. Việc phải tham gia lao động sớm khiến các em dễ bị lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, bị tổn thương và có nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột, xâm hại…
 
Một đứa trẻ theo mẹ mưu sinh.
 
“Cò non” lặn lội
 
Cha bị thương tật nặng sau vụ tai nạn, mẹ vì chán ngán cảnh nghèo khó nên bỏ đi…, vậy là để có cái ăn hằng ngày, Lâm Mỹ Nhân (15 tuổi, ngụ Phường 5, TP. Bạc Liêu) đã phải gồng gánh chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” phụ cha lo cho 3 đứa em nhỏ dại. Mỹ Nhân chia sẻ: “Cha con bị tai nạn giờ phải ngồi xe lăn. Vì cha ở nhà không ai chăm sóc nên hàng ngày, con đẩy xe cùng cha đi bán vé số. Số tiền kiếm được mỗi ngày chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng, không đủ đóng nhà trọ và chi tiêu cho cả nhà 5 người nên cứ thiếu trước hụt sau…”.
 
Dù mới bước qua tuổi 12 nhưng em Lâm Chí Hướng (ngụ khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đã là trụ cột của gia đình 6 miệng ăn. Cha Hướng mất sớm, mẹ em phải chật vật nuôi 5 đứa con bằng nghề bán vé số. Là con trai lớn trong gia đình nên khi vừa lên 6 tuổi, Hướng đã cùng những đứa trẻ trong xóm sớm tối lặn lội ngoài biển nhặt nhạnh từng con ốc, con cua đổi gạo, giúp mẹ nuôi em. Năm 10 tuổi, Hướng bỏ dở việc học để phụ hàng xóm đi đẩy te, mỗi ngày được trả công 100.000 đồng em đều mang về đưa hết cho mẹ. “Con ước mình lớn nhanh để có thể đi biển dài ngày kiếm thật nhiều tiền phụ mẹ lo cho các em” - ước mơ của một đứa trẻ 12 tuổi  đầu đã gánh trách nhiệm gia đình khiến người đối diện phải nhói lòng.
 
Nguyên nhân dẫn đến trẻ em lao động sớm chủ yếu là do kinh tế gia đình nghèo khó, bên cạnh đó còn có nhiều trường hợp khác là do bản thân các em không thích đi học, thích có tiền để chi tiêu hơn nên tự nguyện kiếm việc làm dù tuổi còn nhỏ. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em lao động sớm gia tăng như hiện nay là do chi phí thuê lao động là trẻ em rẻ hơn, các em dễ sai khiến, không cần đóng bảo hiểm xã hội, y tế…, nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp sẵn sàng nhận các em vào làm.
 
Trẻ em miền biển mưu sinh trên những bãi bồi. Ảnh: T.Q
 
Công tác chăm lo cho trẻ em - còn nhiều khó khăn!
 
Việc trẻ em phải tham gia lao động sớm dù nguyên nhân gì và tham gia ở mức độ nào thì cũng đều có những nguy cơ rủi ro về thể chất, tâm lý, ảnh hưởng đến việc học hành, phát triển trí tuệ của các em. Để bảo vệ, giúp trẻ được vui chơi, học hành, được hưởng các quyền lợi như bao trẻ em khác, những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng quan tâm chăm lo, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Vấn đề lao động trẻ em được xem trọng và đưa vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em nghèo trong khám, chữa bệnh và học tập; đưa trách nhiệm ngăn ngừa trẻ em lao động sớm vào nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em...
 
“Tuy chưa thống kê đầy đủ có bao nhiêu trẻ em phải lao động sớm, nhưng trên thực tế có không ít trẻ em nghèo, trẻ lang thang đang phải mưu sinh kiếm sống qua ngày. Hiện nay, các hoạt động hỗ trợ trẻ em chủ yếu tập trung vào trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong khi đó trẻ em từ nơi khác đến, không có hộ khẩu… thì không có chế độ để hỗ trợ; do đó phải tranh thủ các mối vận động hỗ trợ các em, song nguồn lực cũng chỉ có hạn”, bà Trần Yến Hòa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết.
 
Tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo không phải là những tháng ngày vui đến trường cùng bè bạn, được vui chơi, chăm lo… mà thay vào đó là nỗi lo toan, vất vả vì miếng cơm manh áo. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, được hỗ trợ chi phí học tập... nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, giúp mọi trẻ em đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phát triển một cách toàn diện.
 
Minh Luân - (baclieu.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Đời Sống