Gây ô nhiễm phải trả phí
Theo đó, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên 1 m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế GTGT); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và 4.237 đồng vào năm 2024. So sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645 đồng/m3)..., thì mức thu của TP tương đối thấp.
Sở Xây dựng TP đánh giá lộ trình trên cơ bản tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường thông qua việc trả phí dịch vụ thoát nước. Bên cạnh đó, việc thu phí dịch vụ thoát nước sẽ có thêm nguồn kinh phí phục vụ hoạt động quản lý, vận hành, duy tu và bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải, bùn thải trong thời gian tới; giảm mức bao cấp từ ngân sách TP cũng như bảo đảm nguồn chi trả vay từ các hoạt động đầu tư vào nguồn hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP).
Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên TP. Về phương thức thu, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hằng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn. Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước Sawaco thì tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ đối với nhóm này.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu, đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước... Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho 1 m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng (chưa tính 10% thuế GTGT). Về đơn giá, Sở Xây dựng TP đã thành lập đoàn để lấy ý kiến từ nhiều đơn vị sở, ngành liên quan, trong đó tham khảo mô hình giá nước ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Công nhân thoát nước vớt bùn, rác dưới cống thoát nước. Ảnh: LÊ PHONG
Cần thiết, phù hợp
Thẩm định phương án xây dựng giá dịch vụ thoát nước của Sở Xây dựng TP HCM, Sở Tài chính TP HCM cho rằng cần thiết ban hành bởi hằng năm, ngân sách TP chi cho hoạt động quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cống, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, bùn thải rất lớn. Cụ thể, năm 2017 là 1.270 tỉ đồng, năm 2018 là 1.332 tỉ đồng và năm 2019 là 1.539 tỉ đồng. Trong khi nguồn thu hằng năm từ phí bảo vệ môi trường chỉ đạt khoảng 31%-33% tổng số chi.
"Thực tế, mức chi của TP HCM hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu quản lý, vận hành, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải. Mức chi ngân sách hằng năm luôn thấp hơn đề xuất" - Sở Tài chính TP nêu. Theo Sở Tài chính TP, hiện nay, người dân trên địa bàn TP HCM khi sử dụng nước sạch đang phải trả 3 khoản tiền sau: tiền nước sạch sinh hoạt với mức tăng bình quân 6%/năm; phí bảo vệ môi trường với mức 10% trên giá nước sạch và thuế GTGT. Do đó, việc thu phí dịch vụ thoát nước thay cho phí bảo vệ môi trường với mức tăng dự kiến trung bình 5%/năm như đề xuất là cần thiết, phù hợp.
Sở Tài chính TP cũng cho biết với lộ trình giá 5 năm (2020-2024) thì đến năm 2024 mức giá dịch vụ thoát nước là 4.237 đồng/m3, chiếm 45,4% so với mức giá 9.331 đồng/m3 xây dựng trong phương án giá. Do đó, Sở Tài chính TP đề nghị Sở Xây dựng TP có báo cáo đánh giá định kỳ tình hình thực hiện, triển khai giá dịch vụ thoát nước. Đồng thời, sau khi kết thúc lộ trình, từ năm 2025 trở về sau, khi các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khác đưa vào vận hành, Sở Xây dựng TP phải rà soát, đề xuất điều chỉnh giá thu dịch vụ thoát nước cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương, xây dựng lộ trình thu giá phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn TP.
Không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, lộ trình mức thu giá dịch vụ thoát nước là không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân TP. Mức độ tác động và ảnh hưởng đến thu nhập, đặc biệt là nhóm các hộ nghèo là từ 0,051%-0,197% trong giai đoạn năm 2020-2024. Hiện nay, nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP (trực thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm, sau khi tổ chức lại 4 khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.
Phan Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)