Người dân Bến Tre bức xúc vì các lò than gây ô nhiễm

Thứ sáu, 21 Tháng 8 2020 08:54 (GMT+7)
Trước những bức xúc của người dân bị ảnh hưởng từ việc các lò sản xuất than gáo dừa gây ô nhiễm, sáng 20/8, tại UBND xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đã có buổi tiếp xúc cử tri để tìm giải pháp quản lý sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất than gáo dừa (than thiêu kết).
 
Chú thích ảnh
Lò than thiêu kết tại ấp 6, xã Thạnh Phú Đông.
 
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo UBND huyện Giồng Trôm, UBND xã Thạnh Phú Đông, đại diện các chủ lò than và hàng chục hộ dân sống gần các lò than tham dự buổi tiếp xúc.
 
Bức xúc vì khói than bủa vây
 
Không giấu được sự bức xúc vì phải hứng chịu khói, bụi từ các lò than gây ra hàng chục năm nay, nhiều người dân cho biết, nhiều lần chính quyền can thiệp, giải quyết, xử phạt mà các lò than vẫn ngày đêm xả khói thải, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của bà con. Tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn khi số lượng các lò than mỗi năm đều tăng.
 
Anh Đoàn Văn Hạnh, (Ấp 3, xã Thạnh Phú Đông) nêu quan điểm, phát triển kinh tế là cần thiết nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho người dân chứ không chỉ chú trọng đến kinh tế mà bỏ qua vấn đề sức khỏe. Khi đốt lò, khí CO thải ra gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Buổi chiều, khói bay mù mịt trời y như sương mù. Buổi tối, khói bụi rất nhiều khiến trẻ em mệt mỏi khi phải thức học bài, người già không nghỉ ngơi được.
 
Anh Hạnh cho biết cho, thời gian qua, do ảnh hưởng của hạn mặn mà người dân không có nước sử dụng, đến mùa mưa muốn hứng nước uống, dự trữ cho mùa khô cũng không được vì bụi bám đen kịt. Vì vậy, người dân đề nghị chính quyền địa phương buộc chủ lò than phải ngưng hoạt động lò gây ô nhiễm.
 
Có mặt tại buổi tiếp xúc, ông Phạm Văn Hê (Ấp 5, xã Thạnh Phú Đông) cho rằng người dân quanh các lò than không muốn làm khó dễ việc làm ăn của các chủ lò than, tuy nhiên các chủ lò than phải tìm cách khắc phục ô nhiễm, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường sống, sản xuất của mọi người xung quanh. Nếu lò than cứ hoạt động bất chấp sức khỏe con người thì không thể thông cảm được. Ông Hê cũng cho biết, hiện nay, rất nhiều người dân sống gần các lò than có triệu chứng ho, khó thở, khi đi bệnh viện khám đều được chuẩn đoán viêm phổi.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn (Ấp 4) cho biết, hầu hết người dân ở ấp sống dựa vào cây dừa. Nhưng khói bụi quanh năm suốt tháng khiến cây dừa cũng không thể phát triển. Rau màu bị bụi bám đen, lá chuối gói bánh cũng đắng, không ăn được.
 
Hầu hết người dân đều yêu cầu các chủ lò than phải khắc phục tình trạng xả khói thải gây ô nhiễm và đề nghị chính quyền địa phương phải có biện pháp mạnh để xử phạt, trong đó phải xử lý nghiêm như đóng cửa các lò than còn vi phạm xả khí thải gây ô nhiễm.
 
Theo phóng viên TTXVN, từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra của huyện Giồng Trôm đã nhiều lần kiểm tra các cơ sở sản xuất than gáo dừa trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông và lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt 9 cơ sở với tổng số tiền 1,83 tỷ đồng vì xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
 
Theo ông Võ Văn Ngoan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, mẫu khói thải từ các lò than ở xã Thạnh Phú Đông đều vượt quy chuẩn môi trường cho phép từ 10 đến 20 lần, đặc biệt là về khí CO. Tình trạng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hô hấp và phổi, dễ mắc bệnh tim mạch.
 
Ngoài ra, khí CO cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Khí CO phát thải nhiều khiến các côn trùng có lợi như bướm, ong đi nơi khác khiến hoa màu sẽ không thụ phấn được, dẫn đến thiệt hại về nông nghiệp.
 
Mong muốn có mô hình sản xuất giảm khói thải
 
Huyện Giồng Trôm hiện có số lượng lò đốt than gáo dừa nhiều nhất tỉnh với khoảng 500 lò, tập trung chủ yếu ở xã Thạnh Phú Đông với 12 cơ sở và hai công ty (tổng số 237 lò đốt than tập trung ở ba ấp: Ấp 3, Ấp 5 và Ấp 6). Tại xã Thạnh Phú Đông các lò đốt than gáo dừa hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, nhất là vào mùa gió Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
 
Theo ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, hầu hết các cơ sở hoạt động đều có hệ thống xử lý khói thải tuy nhiên, phần lớn các hệ thống này đều không vận hành hoặc vận hành để đối phó với các đoàn kiểm tra. Trong quá trình đốt than, các cơ sở thường xuyên mở các miệng lò, từ đó khói thải thoát ra nhiều.
 
UBND xã đã nhiều lần mời các chủ cơ sở sản xuất than gáo dừa và người dân xung quanh các cơ sở để thành lập 2 tổ giám sát cộng đồng cùng chính quyền địa phương giám sát hoạt động xả khí thải tại các cơ sở nhằm kịp thời phản ánh về huyện để xem xét xử lý. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn do chủ cơ sở có nhiều hình thức đối phó, địa phương thiếu dụng cụ phục vụ cho việc kiểm tra.
 
Tại buổi tiếp xúc, các chủ lò than đều mong muốn người dân sống trong khu vực có lò than hoạt động thông cảm và hứa sẽ sớm khắc phục việc xả khói thải. Các chủ lò cũng mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ tìm giải pháp, mô hình để giới thiệu cho các lò than áp dụng giảm thiểu xả khói thải ra môi trường.
 
Ông Đỗ Quang Thiện, chủ cơ sở đốt than gáo dừa ở xã Thạnh Phú Đông cho biết, cơ sở đã hoạt động trên 20 năm và chưa được chính quyền cấp giấy xác nhận đăng ký hồ sơ môi trường. Nhiều lần cơ quan chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở cơ sở khắc phục.
 
Tuy nhiên, theo ông Thiện hiện chưa có mô hình nào để xử lý triệt để khói, bụi than nên tạm thời cơ sở vẫn làm theo công thức cũ, tức là dùng hệ thống phun nước, đưa ống khói cao hơn trước đây nhưng chỉ hạn chế được phần nào ô nhiễm. Ông Thiện cũng cho biết, nếu như cấp trên có mô hình hay hệ thống xử lý khói thải mới thì ông và những người sản xuất tại các ở đây sẽ áp dụng ngay để giảm lượng khói phát tán ra bên ngoài, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trong, một chủ lò than mong người dân thông cảm vì cơ sở cũng tạo thêm công việc cho người dân địa phương. Thời gian qua, cơ sở cũng đã hoàn thiện, khắc phục dần những thiếu sót như nâng cao ống khói theo đúng quy định.
 
Ông Lê Văn Nhân, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ siết chặt quản lý, giám sát các lò than hơn nữa, đồng thời sẽ tiến hành lấy mẫu tất cả các lò than để kiểm tra, xử phạt các lò than vi phạm. Địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý khói thải trong hoạt động sản xuất than gáo dừa, đồng thời hỗ trợ địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm của các cơ sở.
 
Trước tình trạng gây ô nhiễm của các lò than và mong muốn áp dụng mô hình giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường của các chủ lò than, ông Nguyễn Văn Vưng, Phó Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, cho biết, thời gian qua, sở đã nhiều lần phối hợp với một số đơn vị, cơ quan nghiên cứu một số mô hình xử lý khói thải từ các lò than nhưng các mô hình này không hiệu quả.
 
Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp cùng với một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng mô hình điểm tại xã Thạnh Phú Đông về xử lý khói thải lò than qua ngưng tụ, lấy nước ngưng tụ xử lý để giảm thiểu môi trường, khả năng sẽ đem lại hiệu quả khoảng 90%. Nếu thành công, mô hình này sẽ đươc phổ biến rộng để người dân áp dụng trong khoảng tháng 10/2020.
 
Trước đó, năm 2018, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương đến hết năm 2021 phải chấm dứt tình trạng các cơ sở sản xuất than không đáp ứng các điều kiện về sử dụng đất, giấy xác nhận về môi trường và hoạt động phát thải khí gây ô nhiễm.
 
Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống