Cùng con vào năm học mới

Thứ bảy, 05 Tháng 9 2020 15:47 (GMT+7)
Chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, không ít phụ huynh trăn trở, lo lắng làm sao cân đối ngân sách gia đình để mua sắm, chi tiêu các khoản đầu năm học, rèn luyện con vào nề nếp, đi học sao cho an toàn trong mùa dịch bệnh…
Phụ huynh đưa con đi mua sắm dụng cụ học tập tại Nhà sách Phương Nam.
Phụ huynh đưa con đi mua sắm dụng cụ học tập tại Nhà sách Phương Nam.
 
Năm nay, chị Phương Mai ở quận Ninh Kiều, thực hiện chính sách chi tiêu tiết kiệm. Chị Mai có 2 con trai học lớp 8 và lớp 4. Chị kể, giày và ba lô thì sử dụng lại của năm rồi; mỗi cháu được mua 1 bộ quần áo, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Còn chị Yến Ngọc ở quận Bình Thủy thì mua cho 2 con gái lớp 5 và lớp 2 mỗi cháu 2 bộ đồng phục là áo đầm trắng, cặp, giày, trang phục thể dục, quần áo đem theo thay ngủ trưa… Chị cũng cho các con tận dụng lại một số đồ dùng cũ để tiết kiệm chi phí.
 
Ðối với những gia đình khá giả, việc chi vài triệu đồng mua đồ cho con đi học không thành vấn đề, nhưng với những hộ kinh tế khó khăn, đây là nỗi lo không nhỏ. Chị Cẩm Châu, ở quận Bình Thủy, có con gái vào lớp 3, con trai học lớp Lá. Mấy tháng nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, quán ăn chị đang làm tạm nghỉ nên không có thu nhập. Chị Châu kiếm thêm bằng cách nhận đi chợ, sơ chế đồ ăn, giúp việc theo giờ cho một số hộ gần nhà. Chồng chị Châu cũng bị giảm gần phân nửa lương do cơ sở anh lái xe giảm đơn giao hàng đi các tỉnh. Chị Châu kể: "Tôi tận dụng đồng phục năm rồi của con gái, cái nào chật thì nới ra, xuống lai, tẩy giặt lại cho thật trắng, tập thì cháu được lãnh thưởng... Tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết và lo tiền đóng các khoản đầu năm, nhất là con trai học trường tư nên tiền hằng tháng hơi cao. Tôi có để dành chút ít nên cũng đỡ...".
 
Bên cạnh chi tiêu đầu năm học, việc đưa rước con là vấn đề nan giải, nhất là đối với phụ huynh làm việc theo giờ hành chính, hoặc hay đi họp, công tác đột xuất. Năm nay chồng chị Thắm Tươi ở quận Ninh Kiều chuyển công tác, thường xuyên đi tỉnh nên không có điều kiện phụ vợ lo cho con như trước. Hè này, chị Tươi tập cho con gái vào lớp 8 đi xe đạp để tự đi học vì chị không thể rước con học theo tiết vào các buổi sáng và chiều, còn con trai học lớp Lá thì sẽ nhờ ông ngoại rước khi chị về không kịp.
 
Cũng vì không sắp xếp được công việc để đưa rước con, chị Huỳnh Hoa ở quận Ninh Kiều chọn giải pháp gởi con trai lớp 6 vào học chung trường quốc tế với anh trai đang học lớp 11, học cả ngày. Chị Hoa chia sẻ: "Học trường này chi phí cao, trung bình mỗi tháng tôi đóng cho hai con khoảng 17 triệu đồng, được ăn sáng, trưa, xế và chiều. Những hôm tôi rước trễ thì hai con sẽ chơi thể thao với nhau trong sân trường hoặc ôn bài cùng các bạn, có thầy cô hỗ trợ. Khi về nhà, tôi không phải lo chuyện ăn uống hay bài vở cho tụi nhỏ nữa, đỡ phần áp lực. Ban đầu tôi cũng đắn đo về mặt kinh tế nhưng vì hoàn cảnh gia đình và yêu cầu công việc của tôi nên đành chọn cách này".
 
Một trong những vấn đề khiến không ít phụ huynh quan tâm nữa là rèn nề nếp cho con. Mấy tháng hè này, anh Ðức Khánh ở quận Cái Răng đưa 2 con trai lớp 4 và lớp 2 về quê nội ở Vĩnh Long chơi. Biết các con thích ngủ nướng nên anh Khánh rước lên trước hai tuần nhập học để rèn lại giờ giấc sinh hoạt. Anh quy định thời gian sử dụng điện thoại, xem tivi, cùng con ôn lại kiến thức căn bản, buổi tối thì cho các con ngủ sớm để sáng dậy đúng giờ ăn đi học. Còn chị Lam Phương ở quận Bình Thủy có con trai vào lớp 1 thì dạy con tự múc ăn, tự vệ sinh cá nhân. Trước đây, con chị Phương mê phim hoạt hình và game, cho mượn điện thoại coi mới chịu ăn. Bé còn có tật nhõng nhẽo, giận lẫy, khó ngủ lại không thích đi học nên hè này, chị Phương vừa phải cai điện thoại vừa phải làm công tác tư tưởng để con chịu ăn uống, có niềm vui đến trường, hòa nhập với các bạn.
 
Năm nay, phụ huynh lại thêm lo lắng về  dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thị Hà ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: "Con gái tôi vào lớp 6, trường gần nhà. Ngoài chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, mỗi ngày tôi nấu nước chín mang theo cho con, kèm thêm bánh, sữa hộp, dặn con hạn chế qua lại các lớp, không tụ tập đông ở căn tin hay hàng quán gần cổng trường mua thức ăn. Lúc nào trong cặp con cũng có khăn ướt, khẩu trang và chai dung dịch rửa ray khô. Tôi cũng dạy con những cách thức trong tiếp xúc với người khác như đứng giữ khoảng cách, không dùng chung đồ dùng cá nhân để bảo vệ sức khỏe cho mình". Cũng như chị Hà, bên cạnh việc chủ động phòng dịch từ phía nhà trường, các phụ huynh đều nhắc nhở con em trong giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo sức khỏe những ngày đi học.
 
Các con tựu trường, tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, phụ huynh đều cố gắng chăm lo chu đáo. Tình yêu thương, sự vất vả, hy sinh của mẹ cha sẽ là động lực để các con phấn đấu học tốt, đạt nhiều thành tích cao trong năm  học mới.
 
Bài, ảnh: KIỀU CHINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống