30 phút kinh hoàng
Càng về cuối đường, ở tổ dân phố Hải Tiến, khung cảnh càng ngổn ngang bởi trạm biến áp điện gãy đổ, tôn lợp và dây điện rơi xuống đường, kín cả lối đi. "Lâu lắm rồi mới thấy bão ập vào đây và khiến cho cả một trạm biến áp điện bị đổ như vậy" - ông Phan Hới, một người dân, cho biết.
Khoảng 9 giờ ngày 18-9, gió bắt đầu thổi mạnh, mưa càng lúc càng to. Những cơn gió thốc từ biển, rừng cây phi lao oằn trong gió như muốn gãy. Gió rít từng hồi, quăng quật mái tôn, cây cối, đường dây điện... Cơn bão quét qua 30 phút, sau đó trời bắt đầu tạnh, gió ngưng dần.
Nhà chị Trần Thị Hoạt nằm sát trạm biến áp. Chị đang ngồi rửa chén bát ở giếng nước thì mưa lớn, gió thổi rất mạnh. "Chồng tôi bảo vào đi, ngồi ở đó tôn lợp bay nguy hiểm. Tôi vừa bước vào nhà thì mấy tấm tôn che ở sân bị gió cuốn bay. Trạm biến áp đổ sầm" - chị Hoạt nhớ lại.
Trạm biến áp đổ chắn ngay cửa vào nhà ông Trần Bi (52 tuổi). Căn nhà cấp 4 của ông Bi sau bão trống hoác, mưa đã làm ướt toàn bộ đồ đạc.
Ông Bi kể rằng khi bão vào, điện đã được cắt. "Cả gia đình tôi đang ở trong nhà, gió thổi ngày càng mạnh. Cả mái lợp của căn nhà bị cuốn phăng, bay tới đập vào trạm biến áp, sau đó bị cuốn đi hơn 50 m nữa mới rơi xuống đất. Khi đó thì trạm biến áp cũng đổ sầm xuống. Bão qua 30 phút thôi mà nhà cửa tan hoang hết cả rồi, may mắn chúng tôi không bị gì" - ông Bi nói.
Ông Lê Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho hay cơn bão số 5 đã làm hơn 550 căn nhà của người dân bị tốc mái, rất may không thiệt hại về người.
Thống kê sơ bộ toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1 người chết, 23 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Hơn 250 cây xanh lâu năm trên các tuyến đường TP Huế bị gãy đổ. Tại huyện Phong Điền, anh Lương Văn Tư (47 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định), công nhân thuộc Công ty Thịnh Vượng, đang thi công đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền. Trong lúc chạy xe máy về nhà, khi đến xã Phong Thu thì anh bị cây ngã đè chết.
Căn nhà ông Trần Bi ở thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị tốc mái hoàn toàn
Lực lượng chức năng vượt lũ giải cứu 9 người bị mắc kẹt ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam Ảnh: QUANG NHẬT - TRẦN THƯỜNG
Nhiều người bị thương khi chằng chống nhà cửa
Ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), cho biết mưa lớn kéo dài từ chiều tối 17-8 đến rạng sáng 18-9, sau đó lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều nơi. Các tuyến đường đi lên các xã biên giới và giao thông nông thôn bị cô lập, ách tắc hoàn toàn. Hầu hết công trình thủy lợi đều bị sạt lở bồi lấp đập, cây trồng bị vùi dập và ngập úng.
Nước sông A Vương từ thượng nguồn đổ về rất lớn và lên nhanh làm 4 nhà dân ở thôn A’Hu, xã A’Tiêng, huyện Tây Giang bị ngập sâu, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Các lực lượng gồm ban chỉ huy quân sự, công an, dân quân phối hợp kéo dây từ bên này sang bên kia sông giải cứu thành công 9 người.
Tại tỉnh Quảng Trị, bão số 5 khiến 1 người bị nước cuốn mất tích và 3 người dân khác bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều tuyến đường giao thông, ngầm tràn ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông bị nước dâng, chia cắt cục bộ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 5 đã làm 7 người dân bị thương, 4 người mất tích. Phần lớn bị thương trong lúc gia cố nhà cửa và chặt tỉa cây xanh. Tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa có 4 người dân tộc Mã Liềng ở bản Cáo đi rừng trong thời điểm bão đổ bộ, đến nay vẫn mất tích. Mưa bão cũng khiến một số khu vực tại huyện miền núi Minh Hóa bị ngập, chia cắt cục bộ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho hay thiệt hại do bão số 5 tại địa phương này không đáng kể. 387 cây xanh bị ngã đổ, một vài công trình hư hỏng nhẹ, 1 người dân bị thương.
Hôm nay, mưa lớn trên diện rộng
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết bão số 5 đã làm 1 người chết ở tỉnh Thừa Thiên - Huế; 30 người bị thương, 2.447 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đổ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 5, ở khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-300 mm. Trong đêm 18 và ngày 19-9, ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Trung Bộ, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên cũng có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
V.Duẩn
NHÓM PHÓNG VIÊN - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)