Hít khí độc mỗi ngày
Tại xưởng cơ khí rộng hơn 300 m2 của ông N.V.Đ (ấp 7, xã Xuân Thới Thượng) từ chiều 2-11 đến ngày 3-11, thợ sơn đem nhiều cửa sắt ra vệ đường phun sơn. Đây là xưởng cơ khí lớn hoạt động nhiều năm nay nhưng không có biện pháp che chắn, khắc phục bụi sơn khiến người đi đường bức xúc.
"Mỗi lần chở 2 con nhỏ đi ngang xưởng này, tôi rất ngại vì con hít phải bụi sơn độc hại. Chủ cơ sở kinh doanh thu lợi nhưng vô trách nhiệm với môi trường, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nhiều lần phản ánh lên phần mềm "Hóc Môn trực tuyến", cán bộ xã có kiểm tra nhắc nhở nhưng chủ cơ sở không khắc phục" - anh Hải Phong bức xúc nói.
Không chỉ trên đường Phan Văn Hớn, nhiều con đường "xương cá" như XTT-9, XTT-20 thuộc xã Xuân Thới Thượng cũng có nhiều cơ sở cơ khí, nội thất gỗ... hoạt động, thường xuyên xịt sơn ra môi trường.
Cung đường thường xuyên phát ra bụi sơn độc hại mỗi ngày còn phải kể đến đoạn Quốc lộ 1 (từ quận 12 đến quận Bình Tân) với hàng trăm cơ sở, hộ kinh doanh lớn nhỏ chuyên mua bán, sửa chữa các loại máy cũ, bên cạnh đó là các cửa hàng gia công cơ khí chuyên gia công sắt thép, inox. Trong quá trình vệ sinh, sửa chữa, lên đời cho máy, nhiều cơ sở xả thải dầu nhớt, khí hàn xì, bụi kim loại, sơn PU ra môi trường.
Ám ảnh với mùi sơn PU mỗi ngày đi qua đoạn đường này, bà Nguyễn Thanh Trúc (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) phản ánh: "Khu dân cư của tôi nằm trên đường Liên khu 10-11, không chỉ điên đầu nhức óc vì tiếng ồn do máy cắt sắt gây ra, từ người lớn đến trẻ nhỏ thường xuyên bị viêm hô hấp do hít phải bụi sơn. Không thể sống chung với môi trường độc hại này mãi, chính quyền địa phương phải có giải pháp xử lý triệt để".
Tương tự, cơ sở sơn sửa ôtô 7 Giang trên đường Quang Trung (phường 11, quận Gò Vấp) và một số hộ gia công cơ khí nhỏ trên đường Vĩnh Lộc, Quách Điêu, Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh) cũng mù mịt bụi sơn, gây ô nhiễm khu vực xung quanh.
Nhân viên xưởng cơ khí của ông N.V.Đ ở đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn đang xịt sơn gây ô nhiễm khu vực xung quanh
Cần quy hoạch lại ngành nghề ô nhiễm
Ông Đặng Hải Bình, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận 12, phân tích hiện nay không có quy định nào cấm hộ gia đình sản xuất trong khu dân cư và cũng không có danh mục ngành nghề cấm hoạt động trong khu dân cư nên nhiều hộ gia đình tận dụng nhà ở để sản xuất nhỏ lẻ. Trong quá trình sản xuất, nếu cơ sở phát sinh khí thải, nước thải gây ô nhiễm, người dân phản ánh thì sẽ bị kiểm tra, đo đạc các nồng độ khí, nước thải để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, các chế tài liên quan xử lý ô nhiễm chủ yếu phạt tiền, chưa áp dụng biện pháp ngưng cấp điện, nước nếu chủ cơ sở không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nên chủ cơ sở thường "lờn thuốc".
"Để giải quyết bức xúc của người dân, địa phương tăng cường xử phạt, kiểm tra thường xuyên, gây áp lực khiến chủ cơ sở phải di dời đi nơi khác. Nhưng rõ ràng ô nhiễm cũng chỉ di dời từ chỗ này qua chỗ khác chứ không giải quyết triệt để" - ông Đặng Hải Bình nói.
Đại diện Phòng TN-MT huyện Bình Chánh cho rằng chủ cơ sở sản xuất phải thấy trách nhiệm với xã hội và môi trường. Hiện có nhiều giải pháp hạn chế phát sinh bụi sơn ra môi trường, chẳng hạn màng mưa lọc bụi sơn... Ngoài ra, hóa chất, dung môi dùng để pha chế sơn nên được kiểm soát, quản lý chặt, thậm chí những hóa chất nào độc hại nên cấm dùng. "Cần có quy hoạch những khu vực xa khu dân cư để di dời những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ gây ô nhiễm vào đó, không thể để họ hoạt động tràn lan trong khu dân cư như vậy được" - đại diện Phòng TN-MT huyện Bình Chánh đề xuất.
Tương tự, ông Dương Văn Phúc, Trưởng Phòng TN-MT huyện Hóc Môn, cho biết đa số các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình nên không thể yêu cầu di dời đến các cụm công nghiệp. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, huyện sẽ yêu cầu các xã tăng cường rà soát, kết hợp kiểm tra điều kiện kinh doanh và bảo đảm môi trường, qua đó vận động các cơ sở di dời đến khu vực thưa dân hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp khu dân cư.
Rất độc hại, không thể xem thường
GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghệ TP HCM), cảnh báo các dung môi và hóa chất dùng trong sơn đều độc hại, vì là các chất hữu cơ dễ bay hơi nên dễ phát tán vào không khí, đặc biệt khi dùng súng bắn sơn, hạt bụi sơn càng nhỏ, càng mịn thì dễ đi vào phổi người hơn dùng cọ quét sơn. Nếu hít phải bụi sơn thường xuyên, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ miễn dịch, nhất là người già, phụ nữ mang thai, trẻ em. Do đó, những nơi nào có phát sinh bụi sơn, tốt nhất phải xa khu dân cư và chủ cơ sở cần có đồ bảo hộ, có giải pháp hạn chế bụi sơn cho chính thợ sơn của mình.
Bài và ảnh: THU HỒNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)