Ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên Trường ĐH Trà Vinh góp phần nâng cao giá trị cho cây nưa. Ảnh: H.N
Dự án “Bột nưa nông sản vì sức khỏe - KLEN FARM” do nhóm tác giả Sơn Thái Ngoan (sinh viên Lớp ĐH Luật khóa 2017), Nguyễn Thanh Trà (sinh viên Lớp ĐH Dược học A khóa 2017), Hà Thị Diễm Khuyên (sinh viên Lớp ĐH Công nghệ Thực phẩm khóa 2018) và Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (sinh viên lớp ĐH Ngôn ngữ Anh C khóa 2018).
Nói về cách thức chế biến thành phẩm bột nưa, tạo sự khác biệt với các loại sản phẩm cùng đặc điểm khác trên thị trường, Sơn Thái Ngoan, Trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Sản phẩm này được sản xuất từ củ nưa nguyên chất, canh tác theo nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm áp dụng công nghệ mới trong sản xuất như: nghiền, sấy, trích ly, phân ly”.
Để tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm nhóm nghiên cứu đã tạo ra nhiều loại sản phẩm bột nưa khác nhau như: bột nưa tinh chất nghệ mật ong, bột nưa hoa đậu biếc, bột nưa hương hoa lài… Ngoài ra, sản phẩm không chất bảo quản, 100% tự nhiên đảm bảo nguồn gốc sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, và các tiêu chuẩn khác. Sản phẩm độc đáo và nhiều loại hương vị khác nhau so với các sản phẩm cùng đặc điểm như bột sắn dây, bột mì ….
Trong thời gian tới, nhóm nghiêm cứu tiếp tục sáng tạo đổi mới sản phẩm, nhiều mẫu mã khác nhau, kết hợp nông trại nưa với du lịch trải nghiệm, ẩm thực, nghiên cứu và cho ra sản phẩm nước uống đóng lon từ bột nưa. Đồng thời, dự án sẽ xây dựng thương hiệu gắn liền với địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vũ An, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Trà Vinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, cho rằng sản phẩm này an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, hứa hẹn nâng cao giá trị cho cây nưa nông sản, phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Được biết, đây là một trong 2 dự án sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ, chế tạo sản phẩm lọt vào top 50 vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV.STARTUP-2020) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Nưa (amorphophallus rivieri) là loài cây thân thảo sống lâu năm thuộc họ ráy, củ có nhiều tinh bột mịn ăn ngon hơn khoai mì nên trước đây nhân dân ta trồng nhiều để lấy củ làm lương thực ăn thay cơm, bẹ lá nấu canh hay muối để dành làm thức ăn như dưa trong những tháng thiếu rau xanh.
Tinh bột khoai nưa có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều loại kẹo bánh, làm miến, đặc biệt có thể sử dụng trong công nghiệp để hồ vải. Nếu phát triển công nghiệp chế biến ethanol thì tinh bột cây nưa sẽ là nguồn nguyên liệu đáng kể để sản xuất nhiên liệu sinh học trong tương lai.
BÌNH NGUYÊN - HOÀNG NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)