Người dân ở Trà Vinh khốn khổ vì bãi rác ô nhiễm, ăn cơm phải đóng cửa

Thứ hai, 07 Tháng 12 2020 08:47 (GMT+7)
Cả 2 dự án đều chậm tiến độ, dẫn đến rác cũ đốt không xong, rác mới xử lý không kịp nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm.
 
Như thông tin VOV đã phản ánh, gần đây UBND tỉnh Trà Vinh từng có công văn đề nghị vận chuyển rác cũ qua TP Cần Thơ xử lý, nhưng phía TP Cần Thơ cho rằng chưa phù hợp. Đây là lượng rác thuộc bãi rác tập trung của TP Trà Vinh bị tồn đọng hàng chục năm qua và ô nhiễm nghiêm trọng. Cuối năm 2016, bãi rác này được di dời về địa điểm mới và tỉnh cho khởi công nhà máy để xử lý tại chỗ. Thế nhưng bãi rác cũ chưa giải quyết xong, thì bãi rác mới lại tiếp tục ô nhiễm, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn.
 
Rác cũ tồn đọng gần 30 năm chưa giải quyết xong và tiếp tục ô nhiễm.
 
Gần tuần nay, tiệm tạp hóa của bà Kiên Thị Son ở ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành rất vắng khách. Mở cửa bán thì ế ẩm, đóng cửa ở trong nhà cũng không xong vì mùi hôi thối của bãi rác bên cạnh nhà.
 
“Hôi lắm chịu không muốn nổi, những người đến mua đồ hỏi hôi như vậy sao chịu nổi. Chịu không nổi cũng biết làm sao giờ, bãi rác cũng làm rồi. Tôi đâu có đi được như người ta, đành chịu thôi. Mùi thối nặng lắm”, bà Son bức xúc nói.
 
Còn tại ấp Ô Chích B, nằm cập QL60, dù có vị trí ngay trước cửa ngõ ra vào TP Trà Vinh nhưng khu dân cư này rất yên ắng vì ảnh của mùi hôi từ bãi rác mới. Bà Sơn Thị Thi, người có hơn 30 năm sinh sống ở khu dân cư này cho biết, đây là mùa gió chướng thứ 2 mà bà con nơi đây bữa cơm cũng phải đóng cửa để bớt hôi, những hộ có ruộng, vườn ở xa khu vực này thì tranh thủ đi làm tới tối mới về ngủ.
 
Bà Thi cho biết: “Gió chướng như vậy thì hôi dữ lắm. Chừng ăn cơm thì đóng cửa lại để bớt hôi. Riêng bãi rác mới càng hôi, những quán đồ ăn đằng kia ngay luồng không buôn bán được luôn”.
 
Các hộ dân ở đây cho biết, 2 năm nay cứ đến mùa gió chướng thì hứng chịu mùi hôi thối từ bãi rác mới. Nhưng thực tế quanh năm cả 2 bãi rác này đều bốc mùi và những hộ nằm ngay luồng gió bay qua đều bị ảnh hưởng.
 
Để đưa bãi rác TP Trà Vinh ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, năm 2016, UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh” tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, cách bãi rác cũ khoảng 1km. Dự án này do Sở Tài nguyên - Môi trường làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (VinaEncorp) là đơn vị trúng thầu. Mục đích của dự án là xử lý 120.000 tấn rác cũ tồn đọng 27 năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã có nhiều sai phạm và bị chậm tiến độ gần 2 năm vẫn chưa xong.
 
Đến cuối năm 2017, tỉnh Trà Vinh tiếp tục cho khởi công “Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt” cũng tại địa điểm trên. Dự án này cũng do công ty VinaEncorp làm chủ đầu tư. Mục đích là giải quyết lượng rác thải mới phát sinh hằng ngày, chủ yếu trên địa bàn TP.Trà Vinh. Đến nay vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành, trong khi hạng mục hoàn thành lại không đạt yêu cầu.
 
Bãi rác mới lại chất đầy bãi và bốc mùi hôi thối cả cây số.
 
Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Trà Vinh cho rằng, Công ty VinaEncorp đã có quan tâm đầu tư thực sự, nhưng do áp lực thực hiện cùng lúc 02 dự án; ngoài khó khăn về chuyên môn, còn gặp khó khăn về vốn; quá trình thi công có thay đổi so với thiết kế, vị trí đặt nhà xưởng …nên thủ tục rườm rà, phải chờ cấp thẩm quyền cho phép.
 
“Nhà máy xử lý rác theo chủ trương thì đúng hết rồi, nhưng cả 2 nhà máy đều làm chậm hết, mà khi làm chậm thì việc thu gom xử lý rác cũng bị ảnh hưởng. Dự án khó khăn do khách quan cũng có, chủ quan cũng có; lỗi của nhà thầu cũng có, lỗi của cơ quan Nhà nước cũng có”, ông Trần Văn Hùng nói.
 
Cả 2 dự án đều chậm tiến độ, dẫn đến rác cũ đốt không xong, rác mới xử lý không kịp nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm.
 
Tại buổi làm việc với nhà thầu và sở ngành liên quan vào ngày 25/11 vừa qua, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Tài Nguyên-Môi trường và Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng, công tác thi công của nhà thầu để có hướng giải quyết. Nếu khối lượng công trình không đạt 95% như báo cáo của nhà thầu, tỉnh sẽ chấm dứt hợp đồng./.
 
Thạch Sa Oanh/VOV- ĐBSCL
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống