An Giang tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo

Thứ bảy, 05 Tháng 6 2021 22:50 (GMT+7)
Năm 2021, tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ người dân giảm nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 1-1,2%.
Nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được hỗ trợ kịp thời giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 
Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ then chốt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và được các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, với nhiều giải pháp cụ thể. Ngoài ra, các chương trình giảm nghèo còn nhận được sự đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, cuối năm 2020 đầu năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 10.232 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,90%/tổng số hộ dân; hộ cận nghèo có 26.655 hộ, chiếm tỷ lệ 4,94%/tổng số hộ dân.
 
Trong đó, hộ nghèo người dân tộc thiểu số (DTTS ) là 2.452 hộ chiếm tỷ lệ 8,98%/tổng số hộ DTTS. Hiện nay, tình hình kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó người thuộc hộ nghèo và người cận nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
 
Nhằm đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, UBND tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021. Kế hoạch đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 1-1,2%.
 
Kế hoạch còn hướng đến mục tiêu thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên theo quy định.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án để hỗ trợ hộ nghèo đang gặp khó khăn. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ cho vay tín dụng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên, hộ DTTS… có nhu cầu về vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo...
 
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ y tế để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn… được tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, các trang thiết bị y tế về tuyến cơ sở...
 
Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp khác và được hỗ trợ chi phí học tập. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ điện sinh hoạt; đào tạo nghề và giải quyết việc làm chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý...
 
Bên cạnh các chương trình trên, tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện các dự án, như: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021... qua đó, góp phần hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình này. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động về giảm nghèo bằng mọi nguồn lực khác có thể huy động được trên địa bàn thông qua các hoạt động của quỹ Vì người nghèo... Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
ĐỨC TOÀN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống