Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống

Thứ bảy, 19 Tháng 6 2021 08:33 (GMT+7)
Một chuỗi các hoạt động ý nghĩa đang được các bạn trẻ thuộc dự án Empower Women Asia (EWA) triển khai, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống nâng cao tay nghề, góp phần tạo cơ hội việc làm; đồng thời, phát huy và bảo tồn nghề dệt thủ công theo hướng bền vững.
Dự án góp phần phát huy và bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt truyền thống, cũng như tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ vùng cao.
 
Chính thức khởi động vào tháng 5-2019 với sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và dưới sự bảo trợ của của tổ chức phi chính phủ KIBV - Keep It Beautiful Vietnam, dự án EWA nhằm mục đích hỗ trợ các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt Việt Nam nâng cao kỹ năng, nhận thức và sự hiểu biết trong quá trình sản xuất sản phẩm vải bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Thời gian vừa qua, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, như: tổ chức các lớp học nâng cao tay nghề cho các chị em phụ nữ dân tộc Thái tại xã Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình; các chương trình thực tế trải nghiệm nghề dệt truyền thống tổ chức hằng tháng với sự tham gia của các tình nguyện viên trong và ngoài nước của dự án, các nghệ nhân Mai Châu, khách du lịch trong, ngoài nước; các cuộc thi nhằm lan tỏa về sự trân trọng sản phẩm bền vững của làng nghề Việt Nam trong cộng đồng người Việt...
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống -0
 Bên cạnh hỗ trợ tài chính, trang bị một số vật dụng cần thiết trong sản xuất, dự án cũng hỗ trợ chị em dân tộc thiểu số ở Hòa Bình nâng cao tay nghề dệt vải.
 
Trong năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, EWA đã tổ chức thành công hoạt động trải nghiệm tại Mai Châu cho các thành viên của dự án. Đặc biệt, từ tháng 8 tới tháng 11-2020, dự án kết hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức thành công cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sách tạo làng nghề bền vững 2020”, thu hút hàng trăm lượt thi sinh tham gia từ hai nhóm khởi nghiệp và doanh nghiệp, nghệ nhân.
 
Tiếp nối những thành công của dự án, mặc dù vẫn còn những khó khăn và hạn chế do đại dịch Covid-19, trong năm 2021, EWA tiếp tục triển khai các chương trình ý nghĩa, gồm hoạt động gây quỹ “Chắp cánh những giấc mơ bên khung cửi”, được thực hiện xuyên suốt tháng 5 vừa qua theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp để hỗ trợ các chị em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật tại xã Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình, dưới hình thức hỗ trợ tài chính và trang bị một số dụng cụ phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, mở các lớp dạy học nâng cao tay nghề theo tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống -0
 Du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm tự dệt, nhuộm màu tự nhiên và thêu khăn tay trong các chương trình thực tế của EWA, nhằm tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của Việt Nam.
 
Chương trình trải nghiệm nghề dệt truyền thống cũng đã được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 5 vừa qua với sự tham gia của các chị em nghệ nhân làng nghề Mai Châu, mang lại những trải nghiệm thực tế về quá trình sản xuất vải dệt tay.
 
Một trong những hoạt động nổi bật trong tháng 6 là sự kiện trải nghiệm thực tế và chương trình trao quỹ diễn ra trong hai ngày 16 và 17-6, mục đích tạo ra cơ hội trải nghiệm văn hóa cho các thành viên của dự án, mở rộng cho các đối tượng các bạn trẻ mong muốn tham gia chương trình kết nối, trải nghiệm, qua đó giúp nâng cao hiểu biết về giá trị truyền thống, văn hóa, bền vững.
 
Đây cũng là dịp để EWA trao quỹ bằng hỗ trợ tài chính và đồ dùng cho các chị em phụ nữ dân tộc nghèo và khuyết tật tại Mai Châu, Hòa Bình, giúp những người phụ nữ nơi đây có được sự động viên kịp thời trong quá trình sản xuất các sản phẩm dệt thủ công.
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống -0
 Các sản phẩm dệt của phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam đã được dự án giới thiệu, trưng bày tại nhiều sự kiện trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm của công chúng, giúp nâng cao nhận thức về các sản phẩm truyền thống, bền vững của Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, cuộc thi kể chuyện bằng video clip, bộ ảnh mang tên “Khung cửi dệt ước mơ” diễn ra đến hết ngày 17-7, theo hình thức trực tuyến cũng sẽ giúp nâng cao giá trị hình ảnh của người phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống thông qua các hình thức sinh động, dễ hiểu, có tính lan tỏa. Đồng thời, khuyến khích sự tìm hiểu, cảm nhận của các thí sinh tham gia để cổ vũ thêm sự hiểu biết sâu sắc hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như sản phẩm vải dệt bền vững.
 
EWA hướng tới việc tạo ra chuỗi cung ứng bền vững khép kín trong các làng nghề dệt truyền thống Việt Nam, đồng thời thông qua việc quảng bá giá trị các sản phẩm làng nghề bền vững tới công chúng sẽ góp phần gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa, truyền thống Việt. Đây là nơi hội tụ các sản phẩm vải và thời trang mang giá trị bền vững, có tác động cả về môi trường và xã hội thông qua việc hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội việc làm cho các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt Việt Nam.
 
TRUNG HƯNG - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống