Người lao động đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Long An). Ảnh: TRUNG TÂM
Phao cứu sinh mùa Covid-19
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lao động việc làm, nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc do doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, số NLĐ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng cao. Theo thống kê, năm 2020, số NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng TCTN trên cả nước vào khoảng 1,03 triệu người, tăng 24% so năm 2019. Số tiền chi trả TCTN năm 2020 đã lên tới 16.000 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ năm 2019 khoảng 33%. Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam chi trả TCTN cho gần 300.000 lượt người với số tiền là 6.442 tỷ đồng, tăng 12,36% về lượt người và 28,62% về kinh phí so cùng kỳ năm 2020.
Tại Hà Nội, năm 2020 có 93.316 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 19,89% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2020 có 81.304 hồ sơ được duyệt hưởng TCTN, tăng 18,36% so cùng kỳ năm 2019. Và đến hết tháng 5/2021 đã có 26.122 người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp với 25.732 người có quyết định hưởng TCTN.
Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2020 có 197.093 lượt người hưởng TCTN, tăng 7,19% so năm 2018 và tăng 3,9% so năm 2019. Tổng số tiền do quỹ BH thất nghiệp chi trả trong năm 2020 là hơn 3.968 tỷ đồng, tăng 54,9% so năm 2018 và tăng 27,22% so năm 2019. Tại Đồng Nai, năm 2020, toàn tỉnh có 291.063 lượt người hưởng TCTN, với số chi gần 1.179 tỷ đồng, tăng 42,2% về số người hưởng và tăng 36,9% về số tiền so năm 2019. Trong quý I/2021 có tới 71.872 lượt người hưởng TCTN, với số tiền chi trả lên tới 318 tỷ đồng, tăng 17% về số người hưởng và tăng 59% về số tiền chi trả so quý I/2020. Tại Long An, trong năm 2020 có 35.600 lượt người hưởng TCTN, với số tiền do quỹ BH thất nghiệp chi trả gần 533 tỷ đồng, tăng 10.357 lượt người so năm 2019. Chỉ riêng quý I/2021, tỉnh có tới 3.824 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 160,5 tỷ đồng, và chi hỗ trợ học nghề năm 2020 cho 773 lượt người và quý I/2021 cho 132 lượt người…
Nhiều dấu hiệu trục lợi…
Qua rà soát các trường hợp hưởng TCTN đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu trục lợi chính sách BH thất nghiệp. Như tại Đồng Nai, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã ghi nhận hàng trăm trường hợp NLĐ đang hưởng TCTN vi phạm Nghị định 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020, sửa đổi một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về BH thất nghiệp, số NLĐ này có việc làm trở lại nhưng không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm để dừng hưởng TCTN...
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh, kết quả rà soát đến hết tháng 5/2021 cho thấy, toàn tỉnh có 3.139 người hưởng sai BH thất nghiệp với số tiền phải thu hồi hơn 14,9 tỷ đồng; hiện đã thu hồi được 1.987 người với hơn 9,8 tỷ đồng, còn 1.152 người chưa thu hồi được với hơn năm tỷ đồng. Trong đó, sai phạm do NLĐ chiếm đến 98%. "Để hạn chế hưởng TCTN sai quy định, BHXH Việt Nam và Cục Việc làm cần phối hợp xây dựng phần mềm kết nối dữ liệu liên thông về BH thất nghiệp, hướng tới việc quản lý và giải quyết chế độ BH thất nghiệp cho NLĐ trên toàn quốc được chính xác, nhanh chóng, kịp thời phát hiện sớm NLĐ có việc làm, hạn chế tình trạng trục lợi và giải quyết chưa đúng đối tượng hưởng chính sách BH thất nghiệp trong thời gian tới"- Phó Giám đốc Nguyễn Đại Tánh đề xuất...
Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cũng cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp trong Luật Việc làm theo hướng: Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và NLĐ gắn kết lâu dài và duy trì việc làm; hạn chế dịch chuyển lao động, nhanh chóng đưa NLĐ thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thật sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chính sách BH thất nghiệp phải gắn chặt chẽ với chính sách thị trường lao động như các chương trình việc làm, đào tạo và đào tạo lại tay nghề nhằm giúp NLĐ thất nghiệp sớm có cơ hội tìm việc làm mới. Thực tế cho thấy, số người hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề còn thấp (chỉ chiếm khoảng 2%), việc đào tạo mới và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu người hưởng TCTN tham gia học các nghề lái xe, nấu ăn, trang trí… nên không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đáng chú ý, đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa giải quyết hồ sơ nào liên quan chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ (được quy định tại Điều 47 Luật Việc làm). Do đó, nên chú trọng vào đào tạo nghề, nghiên cứu và định hướng nghề, dự báo nhu cầu lao động, ngành nghề và giới thiệu việc làm mới cho NLĐ thất nghiệp…
ANH THU - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)