Năm 2026, điện từ Sóc Trăng sẽ xuyên biển để đến Côn Đảo

Thứ ba, 19 Tháng 7 2022 21:44 (GMT+7)
Điện từ lưới điện quốc gia sẽ được kéo từ Sóc Trăng xuyên qua biển để tới huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).
 
Ngày 19-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) đã tổ chức buổi giao ban 6 tháng đầu năm, cung cấp những thông tin quan trọng cho báo chí. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương cho biết một trong những vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua là việc cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo.
 
Theo Sở Công Thương, dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê văn Thành giao cho Bộ Công Thương chủ trì thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư dự án, và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thẩm định nguồn vốn cũng như khả năng cân đối vốn của dự án.
 
Bộ Công thương đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, tổng hợp góp ý. Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT cam kết đảm bảo cân đối và bố trí đủ nguồn vốn chủ sở hữu cho dự án này.
 
Năm 2026, điện từ Sóc Trăng sẽ xuyên biển để đến Côn Đảo - Ảnh 1.
Dự kiến trong năm 2026, Côn Đảo sẽ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia
 
Trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Bộ Công Thương phê duyệt, nhu cầu điện dự báo cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là khoảng 21 MW, năm 2030 là 33,3 MW và đến năm 2035 là 46,4 MW. Trong khi đó, nguồn điện cung cấp cực đại hiện nay chỉ đạt 11,8MW.
 
Theo tờ trình của EVN, huyện Côn Đảo hiện được cấp điện từ nguồn chính là Nhà máy diesel An Hội và Nhà máy điện diesel An Hội mở rộng. Do hạn chế về nguồn cung cấp điện nên trong những năm qua chỉ đáp ứng được nhu cầu điện sinh hoạt và một phần điện cho nhu cầu dịch vụ, du lịch.
 
Khu vực sản xuất công nghiệp gần như không đáp ứng được về nguồn điện. Chính vì vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên đảo gặp rất nhiều khó khăn.
 
Phương án cấp điện từ điện lưới quốc gia được đưa ra lấy ý kiến, các đơn vị liên quan thống nhất quy mô đầu tư của dự án được chọn là xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, chiều dài khoảng 102,5km từ ngăn xuất tuyến 110 kV tại Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến Trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo.
 
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án hơn 4.950 tỉ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương dự kiến hơn 2.526 tỉ đồng, vốn tự có của EVN hơn 2.424 tỉ đồng. Tuyến đường dây này sẽ gồm phần đường dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm dưới đất 6,1 km. Ngoài ra, dự án còn phần đầu tư mở rộng trạm biến áp hiện có tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo để đáp ứng việc cấp điện lưới từ đất liền ra đảo.
 
Trước luồng ý kiến cho rằng tại sao không đầu tư điện mặt trời, điện gió mà phải kéo điện lưới ra Côn Đảo, Sở Công Thương tỉnh BT-VT cho biết căn cứ quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020 có xét đến năm 2030, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư các công trình trong giai đoạn 2021-2025 như điện diesel, điện gió, điện mặt trời trên địa bàn huyện Côn Đảo.
 
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các loại nguồn điện này là giá thành cao (điện gió), có tác động đến môi trường (điện từ nguồn diezel), diện tích đất sử dụng lớn, nguồn điện không ổn định do chịu sự ảnh hưởng của thời tiết các mùa…
Do đó, việc cấp điện cho Côn Đảo từ lưới điện quốc gia được xem là phương án tối ưu.
 
Năm 2026, điện từ Sóc Trăng sẽ xuyên biển để đến Côn Đảo - Ảnh 2.
Ông Trương Văn Thôi - Phó Giám đốc Sở Công thương trao đổi thông tin với báo chí về việc cung cấp điện từ điện lưới quốc gia cho Côn Đảo
 
Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận Côn Đảo là vùng đất đặc biệt với rất nhiều di tích lịch sử, quỹ đất ở đây vô cùng hạn hẹp nên phương án kéo điện lưới vừa tiết kiệm được quỹ đất, vừa không xâm hại đến các di tích lịch sử tại đây. "Trước đó, chúng tôi cũng đã phân tích thêm các phương án sử dụng điện khác như điện gió, điện khí, năng lượng mặt trời nhưng không khả thi và hiệu quả bằng việc đầu tư điện lưới" - ông Thôi cho hay.
 
Theo tiến độ dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trước 2026, chưa tính đến các rủi ro, biến động vì khi thi công trên biển sẽ gặp rất nhiều rủi ro không lường trước được. Cụ thể, trong năm 2022, EVN thẩm tra gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đến Bộ Công Thương. Dự kiến Bộ Công thương sẽ chủ trì thẩm định, tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
 
Dự kiến trong năm 2023 sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát, lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; trong năm 2024 và 2025 sẽ lựa chọn đơn vị khảo sát, thiết kế xây dựng và triển khai thi công.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ Công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông, EVN phối hợp xem xét tích hợp quy hoạch, xây dựng tuyến truyền dẫn cáp quang từ đất liền đến huyện Côn Đảo vào dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo. Mục đích là đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng cao, ổn định và đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh năng lượng và an ninh thông tin cho huyện Côn Đảo.

 

Bài, ảnh: Ngọc Giang (nld.com.vn)

 

Bài viết mới nhất của Đời Sống