Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày 20-10 cho biết số bệnh nhân tới khám và nhập viện do tiếp xúc với kiến ba khoang gần đây tăng cao. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp đến viện bị tổn thương nghiêm trọng do những sai lầm trong xử trí vết thương sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang.
Chị V.H.Y. (36 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng mắt sưng to, vùng da quanh mắt phải tổn thương, trợt loét… Bệnh nhân cho biết cách đây 3 ngày, sau khi ngủ dậy, chị thấy vùng mắt phải sưng đỏ, đau rát.
Nữ bệnh nhân phải nhập viện điều trị do kiến ba khoang
Ra hiệu thuốc gần nhà, chị được nhân viên bán cho một tuýp thuốc bôi nhưng sau 1 ngày vẫn không đỡ, thậm chí vùng da quanh mắt trợt loét lan rộng, đau đớn, mắt sưng húp. Lúc này chị mới đến bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm da nghiêm trọng do kiến ba khoang, phải nhập viện điều trị.
Trường hợp khác là bé 5 trai tuổi, ở quận Thanh Xuân xuất hiện các thương tổn hồng ban, hơi phù nề, gây đau rát. Ban đầu gia đình tưởng giời leo nên đã mua thuốc tự bôi nhưng không đỡ. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang. Do trẻ chà xát, gãi, làm độc tố của kiến ba khoang lan rộng, khiến tổn thương càng nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho, biết hiện nay đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên số ca bị tổn thương da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng cao. Kiến ba khoang có độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phồng rộp, dễ nhầm với zona thần kinh.
Thời điểm này đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang
Theo các bác sĩ, tùy bệnh nhân tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ có những tình trạng bệnh khác nhau. Có bệnh nhân tổn thương rộng do chà xát, cào, gãi, thậm chí có bệnh nhân điều trị không đúng dẫn đến tổn thương nặng, vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.
"Trong số những bệnh nhân phải nhập viện điều trị có nhiều trường hợp tự mua thuốc về uống và bôi. Tuy nhiên, do điều trị không đúng cách đã vô tình làm cho tổn thương lan rộng và nghiêm trọng hơn"- bác sĩ Linh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy cơ nói trên, điều tối kỵ là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể.
Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da do tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, có thể rửa vùng đó bằng nước sạch, nước muối loãng, xà phòng và bôi thuốc làm dịu da, sau đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Tránh gãi, cọ xát để dính độc tố sang các vùng da khác làm lây lan thương tổn.
Tổn thương do tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang
Trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi, trường hợp tổn thương lan rộng, gây phù nề nhiều, hay có triệu chứng toàn thân, cần bổ sung thuốc uống như kháng histamine, kháng sinh, corticoid. Nếu được điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày.
Để phòng tránh, trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn, mọi người cần có thói quen kiểm tra kỹ, giũ sạch. Khi phát hiện kiến ba khoang, nên bình tĩnh, khéo léo lấy kiến ra khỏi người bằng giấy hoặc găng tay, tránh việc bắt giết, chà xát kiến ba khoang.
"Thực tế có khá nhiều người thường có thói quen dùng tay đập kiến. Điều này đã vô tình làm độc tố của kiến ba khoang được giải phóng và tiếp xúc với da, gây ngứa rát, sưng đau, nổi mụn mủ"- bác sĩ Linh khuyến cáo.
Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh có cảm giác râm ran; trong vòng 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ; 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình; sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy; sau 5-7 ngày vảy bong hết.