Làm thịt chó, người đàn ông tử vong vì bệnh dại

Thứ tư, 26 Tháng 10 2022 11:33 (GMT+7)
Trước khi xuất hiện các triệu chứng bệnh dại, người đàn ông có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết TP Hà Nội vừa ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại là nam bệnh nhân 50 tuổi, ở huyện Mê Linh. Theo điều tra bệnh sử, trong vòng 2 tháng nay, bệnh nhân có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn (2 con chó đều khỏe mạnh được nuôi hơn 5 tháng trong thôn, không được tiêm phòng).
 
Trường hợp này không xác định rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó. Bệnh nhân chưa tiêm phòng vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại.
 
Làm thịt chó, người đàn ông tử vong vì bệnh dại - Ảnh 1.
Hầu hết các trường hợp nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại - Ảnh minh họa
 
Cách đây vài ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt (không rõ nhiệt độ), mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở.
 
Sau đó 2 ngày, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (Hà Nội) khám, được test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng kích thích, nói nhảm, không hợp tác.
 
Do đó, ngay ngày hôm sau, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước nên được chẩn đoán nghi ngờ dại.
Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió.
 
Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Tối cùng ngày, bệnh nhân tử vong và được gia đình làm thủ tục đưa về quê mai táng. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân dương tính virus dại.
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
 
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
 
Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, từ đầu năm, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).
 
 

Bài viết mới nhất của Đời Sống