Quốc hội yêu cầu báo cáo lộ trình cải cách tiền lương

Thứ hai, 03 Tháng 7 2023 09:09 (GMT+7)
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp thứ 5 họp từ 22-5 tới 24-6 đã xem xét quyết định và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
 
Quốc hội yêu cầu báo cáo lộ trình cải cách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 - Ảnh 1.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 5
 
Tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt.
 
Quốc hội yêu cầu điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế các-bon.
 
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (vào tháng 10-2023 - PV).
 
Về chính sách tiền tệ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý.
 
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ; thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
 
Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, thuế, phí, chống thất thu, trốn thuế. 
 
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. Ngoài ra, tập trung giải quyết những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo.
 
Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
 
Sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
 

Bài viết mới nhất của Đời Sống