Chương trình "Tiêm vắc xin trước, trả sau" không lãi suất do Hệ thống tiêm chủng VNVC và Mcredit - Thành viên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản) chung tay thực hiện. Chương trình áp dụng cho tất cả loại vắc-xin đang có tại gần 120 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, với gói vắc-xin từ 3 triệu đồng.
Người dân đăng ký chỉ cần có CMND hoặc CCCD và thực hiện các thao tác xác thực định danh trong vài phút. Người dân sẽ được kéo dài thời gian chi trả cho các gói vắc-xin này từ 6 tháng hoặc 12 tháng tùy theo giá trị gói vắc-xin, chỉ cần trả trước tối thiểu 10% giá trị gói.
Phần lớn người dân sẽ được giải ngân chi trả ngay trong buổi tiêm chủng. Khách hàng có những yếu tố liên quan đến định danh hoặc khoản chi phí cũ, sẽ được hỗ trợ sau đó để hoàn thành thủ tục trước lần tiêm tiếp theo.
Toàn bộ lãi suất trong thời gian này VNVC sẽ chi trả cho Mcredit thay khách hàng với mức lãi suất ưu đãi được Mcredit dành riêng cho hoạt động tiêm chủng vắc-xin ý nghĩa này.
VNVC và Mcredit ký kết hợp tác triển khai chương trình "Tiêm vắc xin trước, trả tiền sau", ngày 7-7. Ảnh: Mộc Thảo
Đăng ký trả góp gói vắc-xin phòng HPV (Gardasil 9), cúm và phế cầu cho con gái (12 tuổi) tại VNVC Lê Đại Hành (quận 11, TP HCM), chị Trần Thị Hoa đánh giá chương trình trả góp khá thiết thực.
Chị Hoa chia sẻ muốn cho con gái tiêm sớm vắc-xin HPV phòng nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung ngay khi đến tuổi. Tuy nhiên, do một mình nuôi con, công việc buôn bán nhỏ chỉ đủ trang trải nên chị lần lữa đến nay. Được biết, VNVC đang có chương trình trả góp vắc-xin không lãi suất, chị đăng ký ngay.
"Với gói vắc-xin cần thiết cho con gái, chỉ cần trả trước chưa đến một triệu đồng và trả dần trong 6 tháng sau, tôi thấy khá linh động và dễ dàng chi trả hơn là dồn lại một lần. Hơn nữa, vắc-xin HPV thường khan hiếm, đăng ký trước gói, tôi không lo hết vắc-xin mà còn được thêm nhiều tiện ích khác như nhắc lịch tiêm, cam kết không tăng giá", chị Hoa cho biết.
Chương trình "Tiêm vắc-xin trước, trả tiền sau" kỳ vọng hỗ trợ nhiều người dân được tiêm chủng đầy đủ, dễ dàng. Ảnh: Trần Hùng
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), sau đại dịch, hiện Việt Nam có khoảng 250.000 trẻ em bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc-xin quan trọng cơ bản đầu đời. Ngoài ra, các vắc-xin không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng ở tỉ lệ bao phủ thấp. Nhiều cha mẹ khó khăn về kinh tế, nhiều công nhân, người lao động không có việc làm, di chuyển từ thành phố về quê sinh sống khiến quá trình tiêm vắc-xin của trẻ em bị gián đoạn. Nhường phần tài chính ít ỏi cho trẻ em tiêm chủng, nhiều người lớn cũng không dám dành phần chi tiêu cho việc bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Số ca mắc Covid-19 vẫn diễn tiến trong cộng đồng, đặc biệt nguy hiểm với nhóm trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; các bệnh "mùa vụ" như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não, cúm, ho gà - uốn ván - bạch hầu, thuỷ đậu, dại… có diễn biến khó lường, âm thầm lây lan gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC - cho biết, chương trình được kỳ vọng là hành động thiết thực, nỗ lực chia sẻ khó khăn kinh tế với người dân, giúp hàng triệu trẻ em kịp thời được tiêm chủng vắc-xin đúng lịch, tiêm bù, tiêm vét và tiêm nhiều loại vắc-xin cần thiết. Bên cạnh đó, người lao động, người cao tuổi, cán bộ hưu trí… cũng có điều kiện tiêm đủ các loại vắc-xin cần thiết, khi tiêm trước rồi trả tiền sau.
"Trước đó, VNVC cũng đã hợp tác với nhiều ngân hàng để triển khai chương trình trả góp gói vắc-xin cho khách hàng bằng thẻ tín dụng trong 6 tháng nhưng chưa tiếp cận được nhiều người dân do thủ tục từ đối tác còn nhiều rào cản.
Cùng với hợp tác lần này, VNVC hy vọng gói trả góp vắc-xin không lãi suất “Tiêm vắc xin trước, trả tiền sau” với thủ tục đơn giản, linh hoạt không chỉ là giải pháp tháo gỡ rào cản tài chính mà còn tăng cơ hội tiếp cận, bình đẳng về vắc-xin đối với mọi người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế, ở vùng sâu vùng xa, nơi tiếp cận dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn. Qua đó, tăng tỉ lệ bao phủ vắc-xin và bảo vệ sức khỏe cộng đồng", bà Hà khẳng định.