Ngày 25-12, ghi nhận giá heo hơi trên thị trường tiếp tục tăng sau đợt tăng vào giữa tuần trước. Giá heo hơi ngày 25-12 tại các tỉnh, thành miền Bắc đã vượt mức 50.000 đồng/kg, tại các địa phương Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội bán phổ biến 52.000 đồng/kg.
Ở phía Nam, giá heo hơi ghi nhận cao nhất tại Cà Mau ở mức 52.000 đồng/kg, còn lại phổ biến trong khoảng 49.000 – 50.000 đồng/kg. So với nửa đầu tuần trước, giá heo hơi đã tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Ông lớn trong ngành chăn nuôi heo là C.P cũng đã tăng giá bán ra, phổ biến ở mức 52.000 – 53.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi heo có thị phần lớn thì đợt tăng giá này mang yếu tố cục bộ, thiếu bền vững vì sức mua vẫn yếu dù Tết cận kề.
Gần Tết nhưng sức mua thịt heo vẫn yếu
"Đợt tăng giá này do các đoàn liên ngành tăng cường chặn heo nhập lậu và một số trang trại bị ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi trước đây khiến nguồn cung bị hụt cục bộ" – đại diện doanh nghiệp này lý giải.
Cũng theo chuyên gia chăn nuôi này, năm nay chăn nuôi heo khó khăn còn hơn cả đợt khủng hoảng thừa năm 2017. Khi đó, dù kêu gọi "giải cứu heo" nhưng sức mua tốt, chăn nuôi không bị dịch bệnh. Còn hiện tại, giá vốn để nuôi heo tăng mạnh từ chi phí giống, thức ăn và đặc biệt là rủi ro dịch bệnh.
Ngoài ra, giá heo hơi của Việt Nam tuy dưới giá thành nhưng so với các nước lân cận như: Lào, Campuchia, Trung Quốc vẫn ở mức cao hơn nên vừa không có cơ hội xuất khẩu vừa phải đối mặt với heo nhập lậu. Đặc biệt, nguồn hàng từ Campuchia, giá heo hơi hiện nay chỉ có 36.000 đồng/kg nên dân buôn tìm cách nhập lậu về.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng các doanh nghiệp có lý khi nói rằng năm nay chăn nuôi còn khó khăn hơn giai đoạn phải kêu gọi "giải cứu" những năm trước.
"Dù giá heo hơi tăng nhưng với mức giá 50.000 – 52.000 đồng/kg, chỉ một số ít doanh nghiệp huề vốn, đa số vẫn lỗ. Suốt cả năm qua các trang trại chăn nuôi đã phải chịu đựng và hi vọng còn trụ được khi giá lên trong tương lai" – ông Công nói.