“Chợ” Bánh dân gian?

Thứ bảy, 12 Tháng 4 2025 12:42 (GMT+7)
Từng có những “Đêm hội bánh dân gian” diễn ra vào đêm 23 tháng Chạp ở chợ cổ Cần Thơ do VPĐD báo Sài gòn Tiếp thị tại Cần Thơ (nay là Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp-BSA-VPCT) mà người khởi xướng là anh Trần Hoàng Tuyên cùng với Công ty thương nghiệp Cần Thơ (CTC), Công ty Casuco, cùng các anh em thân hữu phát triển ý tưởng thu hút cộng đồng từ những năm 2011-2012.
 
Câu hỏi đặt ra cho những đêm hội ngày xưa là: Ai là nhân vật trung tâm của Đêm Hội? Đêm hội mang lại lợi ích gì cho người tham gia quảng bá giá trị bánh dân gian mang tính biểu tượng của Nam Bộ? Ban tổ chức có thể làm gì để tên tuổi những lò bánh tỏa sáng sau đêm hội? Mục tiêu mong đợi trong việc nâng cấp di sản gắn với từng lò bánh là gì? Liệu có thể đưa lễ hội này về TP. Hồ Chí Minh được không?... 
 
“Chợ” Bánh dân gian?- Ảnh 1.
Tọa đàm những giá trị truyền thống trăm năm hiện hữu trong đời sống đương đại và kích cầu điểm đến du lịch (từ trái qua: Bà Vũ Kim Anh - Nguyên phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Tác giả; Nghệ nhân Út Dzách; Bà Vũ Kim Hạnh - Nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ và ông Ben (Bénoit Perdu, người vùng Normandie (Pháp)).
 
Và, thực tế Lễ hội Bánh dân gian do Trung tâm BSA, báo Sài Gòn Tiếp thị đã tổ chức thành công ở hồ Bán nguyệt, quận 7, TP. Hồ Chí Minh với sự góp mặt của nhiều nghệ nhân bánh dân gian như Dì Mười Xiềm, cô Chín Cẩm, chị hai Lý… từ Cần Thơ, Trà Vinh. Lúc đó, nhiều Tổng lãnh sự các nước tới Lễ hội thưởng thức những món ngon tiêu biểu và họ xem đó là di sản văn hóa dân gian từ gạo, nếp…
 
Ký ức không thể nào quên, bởi chúng tôi là những người trong cuộc!
Tôi được giao dẫn chương trình tọa đàm với Dì Mười Xiềm, Chị Chín Cẩm tại Cần Thơ… Từ đó, hiểu hơn cuộc sống của người lưu giữ tinh hoa gia đình, hiểu lo toan khi mỗi ngày đội bánh ra chợ ngồi ở đâu đó dưới cột lồng đèn, ngã tư, cổng trường, hay một góc chợ nào đó. Những đồng nghiệp báo chí xem đây là một cách tiếp cận, mổ xẻ thực trạng của những người có chí lớn lưu giữ di sản. Có quá nhiều vấn đề khi nói về hiện tại về An toàn vệ sinh thực phẩm và tương lai cho bánh dân gian đi xa, để lâu… Nhiều nhà báo vào cuộc, mô tả cuộc sống, ước mơ và biến truyền thông câu chuyện thành cơ hội gia tăng sinh kế giúp nhiều nghệ nhân thoát cảnh nghèo khó.
 
“Chợ” Bánh dân gian?- Ảnh 2.
Người dân tham dự lễ hội bánh dân gian và tham gia trò chơi dân gian tại Nhà lòng chợ cổ
 
Những vệt, những đợt sóng truyền thông, từ những câu chuyện đời thường, những ký ức xa xưa và cả những thành công lớn của Dì Mười Xiềm khi hiện diện ở Lễ hội dân gian - Bảo tàng Smithsonian, Hoa Kỳ… dần dần trở thành hình tượng mới về bánh dân gian. Mọi người nói lên sự nỗ lực, vươn mình, ý thức tạo dựng thương hiệu… được xem là cách bảo vệ và phát huy di sản theo hướng bền vững hơn.
 
Ngày xưa không có nhiều tiền nên chúng tôi tự giới hạn ước mơ, tự kiểm soát mong muốn và khuyên các nghệ nhân tùy chỉnh từ từ. Có khi là không gian bếp, khi thì thắt chặt các tác nhân trong gia đình theo chuỗi sản xuất và giao hàng, mọi dự định luôn hướng tới mục tiêu người làm bánh phải đủ ăn, con cái được học hành tới nơi tới chốn… Muốn vậy bánh - món ngon từ làng quê phải giữ được nét riêng, độc đáo, an toàn, có trách nhiệm với di sản và người tiêu dùng.
Khi Lễ hội bánh dân gian được định danh lễ hội như bây giờ, theo tôi:
Thứ nhất, những người có trách nhiệm nên biết gìn giữ và bảo tồn: Tránh làm mai một, biến dạng hoặc thất truyền di sản bằng cách duy trì các nghi thức, kỹ thuật, ngôn ngữ, phong tục, truyền thống… của lễ hội, đừng để mai một vì làm không đúng với trách nhiệm, sứ mệnh ban đầu.
 
“Chợ” Bánh dân gian?- Ảnh 3.
Những món ngon làng quê tỏa sáng trong đêm lễ hội
 
Thứ hai, phải truyền dạy và phát huy: Hướng dẫn, đào tạo thế hệ sau để đảm bảo di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục được kế thừa và phát triển trong cộng đồng, đậm đà bản sắc đặc trưng của lễ hội Miền Tây nam bộ.
 
Thứ ba, Lễ hội bánh dân gian có đầy đủ phần hồn di sản, nền tảng văn hóa được gói ghém trong những món ngon sáng tạo với những điều "ngạc nhiên chưa" chắc chắn sẽ thuận lợi hóa thương mại. Điều này bao giờ cũng cần sự trợ giúp tận tâm từ Ban Tổ chức Lễ hội.
 
Thiễt nghĩ, ngọn đuốc đầu tiên được thắp lên ở chợ cổ, lẽ ra nên thổi bùng, tỏa sáng hơn nữa trong Lễ hội bánh dân gian, làm cho ý nghĩa ban đầu sâu sắc hơn.
 
Lễ hội là cơ hội tuyệt vời để những giá trị truyền thống trăm năm hiện hữu trong đời sống đương đại nhưng phải có nghệ thuật dẫn dắt, có điểm nhấn thúc đẩy, đòn bẩy để thăng hoa chứ không đơn giản là bày hàng bán năm nào cũng như năm nấy. Hơn nữa, nó chứng minh năng lực và bản lĩnh tuyệt vời của những người tổ chức và xin ai đó, đừng biến tướng Lễ hội bánh dân gian thành "Chợ bánh dân gian".
 

Bài viết mới nhất của Đời Sống