Đi lễ Vía Bà

Thứ sáu, 08 Tháng 6 2018 09:24 (GMT+7)
Tháng Tư Âm lịch, miền đất biên giới càng rộn ràng hơn khi đón dòng người tấp nập từ khắp nơi đổ về đi lễ. Ở đó, tín ngưỡng từ thời khai hoang, mở cõi và chống ngoại xâm từ gần ba thế kỷ trước được tôn vinh, trở thành nét văn hóa đặc sắc.

Kiến trúc độc đáo của miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được xây dựng từ lòng thành của tín ngưỡng dân gian.

Toàn bộ khu vực Núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) là một quần thể tâm linh rộng lớn, khởi nguồn là ngôi miếu thờ bằng tre lá nằm dưới chân núi. Thuở ấy, vùng đất này còn rất hoang vu. Rừng núi mênh mông, nhiều thú dữ. Công thần nhà Nguyễn, cụ Thoại Ngọc Hầu, theo lệnh vua tới đây khai hoang, lập ấp, thu hút dân tới sinh sống. Giữa miền biên viễn và điều kiện khắc nghiệt, dưới sông cá sấu, trên bờ cọp beo rình rập, thì một vị thần trong tâm linh ra đời là một tất yếu. Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự trên đỉnh núi là một pho tượng bằng sa thạch, được thỉnh xuống thờ phượng. Bởi sự hiển linh, danh tiếng đồn xa, ngôi miếu được nhiều người biết đến và trở thành điểm hành hương mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng dân gian của miền đất Nam bộ.

Ngày nay, khách thập phương đến chiêm bái khó hình dung được ngôi miếu ấy đơn sơ như thế nào. Bởi trong vòng khoảng nửa thế kỷ nay, ngôi miếu nhiều lần được trùng tu, tôn tạo để tỏ lòng thành kính, ghi ơn đối với thần linh. Điều đó cũng thể hiện sự sung túc, khá giả trong đời sống vật chất của bá tánh. Cao điểm, hàng ngàn người chen chân nhau bày hương quả, vật tế và dâng hương lên Bà. Ngôi miếu bằng tre lá ngày nào giờ là một công trình kiên cố mang hình chữ Quốc, được thiết kế mang dáng vấp đình chùa Việt Nam pha trộn kiến trúc Ấn Độ giáo, tạo nét riêng biệt, không trùng lắp với các ngôi chùa, miếu hay đền nào khác. Bởi thế, khi lên phim, ảnh, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được nhận diện rất rõ ngay từ cái nhìn đầu tiên, với thiết kế độc đáo bởi hai kiến trúc sư Việt Nam vang danh thế giới là Huỳnh Kim Mãn và Nguyễn Bá Lăng.

Một ngôi chùa cổ được trùng tu xây dựng ở Núi Sam.

Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam là tiếp nối sợi dây tín ngưỡng thờ của dân tộc. Dân gian tin rằng, các vị thần linh có quyền năng để ban thưởng và trừng phạt. Ở miền biên viễn đầy nguy hiểm của những thế kỷ trước, con người dựa vào quyền vô hình để trụ vững trong đời sống, tin vào nhân quả để làm những điều tốt; lúc cùng cực, khó khăn thì khấn vái để được trợ lực, chở che. Bởi thế, tại chánh điện thờ Bà, du khách thấy có đôi liễn minh chứng cho niềm tin đó: “Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thi / Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường”, (tạm dịch là: Xin thì được, ban thì linh, báo trong giấc mộng / (Người) Xiêm sợ hãi, (người) Hoa kính mộ, ý tứ khôn lường).

Hằng năm, người dân lấy thời gian từ ngày 23 tới ngày 25 tháng Tư Âm lịch làm lễ vía để ghi nhớ công ơn của Bà. Gần đây, văn hóa tín ngưỡng dân gian đối với Bà Chúa Xứ Núi Sam được tôn vinh và phát triển thành lễ hội cấp quốc gia, tục thờ cúng, lễ vía trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thời gian tổ chức lễ vía được kéo dài một tuần (từ ngày 22 tới 27 tháng Tư Âm lịch). Ngoài phần lễ truyền thống được duy trì (lễ tắm Bà, Thỉnh sắc, Túc yết, Xây chầu…), còn có nhiều phần hội để phục vụ khách thập phương. Từ lễ cúng tín ngưỡng dân gian hằng năm, lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trở thành lễ hội được chờ đợi trong năm. Nhờ sự hấp dẫn này, không chỉ Núi Sam mà tỉnh An Giang còn thu hút mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh. Gần đây nhất là dự án trọng điểm Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo Núi Sam trị giá hơn 1.500 tỉ đồng. Đó là chưa kể hệ thống những ngôi chùa, đình, lăng cổ được trùng tu, phát triển cùng với các điểm tín ngưỡng khác vòng quanh Núi Sam. Ngoài ra, còn có hệ thống dịch vụ du lịch nhà hàng, khách sạn, resort… mọc lên đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống của du khách.

Có thể nói, khu vực Núi Sam là một vùng đất tâm linh gắn với tín ngưỡng dân gian từ thời mở cõi, trở thành “đặc sản” du lịch của miền Tây bên cạnh du lịch văn hóa, ẩm thực miền sông nước. Nhắc đến du lịch miền Tây, người ta nhắc đến chợ nổi, vườn trái cây, cải lương, vọng cổ… cũng không quên khu biệt vùng An Giang với du lịch tâm linh gắn với những huyền bí của vùng Bảy Núi và Bà Chúa Xứ Núi Sam. 

Nguồn: THỤY DU - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch