Ngày 12-7, Sở Du lịch TP HCM và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP đã tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch qua khu vực biên giới biển và cửa khẩu cảng TP HCM. Theo đó, hai bên sẽ trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch; số liệu du khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu cảng.
Bãi biến Vũng Tàu đông nghẹt du khách trong những dịp cuối tuần và lễ Tết Ảnh: NGỌC GIANG
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP, cho biết địa bàn do đơn vị phụ trách gồm 2 tuyến là biên giới biển thuộc huyện Cần Giờ và cửa khẩu cảng TP. Đối với tuyến biển Cần Giờ hiện đã có các công ty khai thác tiềm năng du lịch vốn có của địa phương. Trong tương lai không xa, địa bàn này sẽ mang đến nhiều nguồn lợi thiết thực trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Trong khi đó, tuyến cảng TP hằng năm đón hàng trăm lượt tàu du lịch và tàu quân sự với hàng chục ngàn lượt khách.
"Vài năm nay, hoạt động du lịch qua khu vực biên giới biển và cửa khẩu cảng TP có chiều hướng phát triển mạnh. Do đó, việc ký kết chương trình đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch qua khu vực biên giới và cửa khẩu cảng TP là cần thiết, góp phần thúc đẩy du lịch đường thủy, đường biển trên địa bàn" - đại tá Tô Danh Út nhận xét.
Theo Sở Du lịch TP, năm 2017, có 244.000 lượt khách tàu biển đến TP và số lượng khách này tiếp tục gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay. Thời gian qua, hệ thống cầu cảng phục vụ cho du lịch của TP chưa được đầu tư tương xứng. Một số hãng tàu để nghị ngành du lịch TP cần có cầu cảng để phục vụ cho du khách tàu biển.
*Cùng ngày, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch với mục tiêu quảng bá, định vị lại thương hiệu du lịch của tỉnh trong kỷ nguyên 4.0. Qua đó, tạo cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế giao lưu, gặp gỡ trực tiếp, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Vũng Tàu có rất nhiều tiềm năng so với các địa phương khác, tuy nhiên lượng khách lưu trú lại ít. Các điểm du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu rất phong phú nhưng không có sự kết nối. "Ngoài việc sinh hoạt, trải nghiệm thì cái níu kéo du khách ở lại là cuộc sống và con người ở đây. Cần phải đầu tư vào phần mềm, những sản phẩm du lịch thông minh và con người để có chất lượng phục vụ cao. Nếu cứ chăm chăm vào túi tiền của khách thì du lịch sẽ không bền vững, phải để du khách quay lại" - ông Siêu gợi ý.
Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình Việt Nam - cho rằng lợi thế của Bà Rịa - Vũng Tàu chính là con người, đây là mảnh đất có rất nhiều điều kiện thuận lợi, rất nhiều người từ mọi miền tìm đến, chính vì vậy phải xây dựng thương hiệu "Nụ cười con người". "Không thể nhẹ tay với những người chặt chém, chính những người này đã làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu du lịch" - bà Ninh thẳng thắn.
Nhiều vị khách mời nhìn nhận rằng Bà Rịa - Vũng Tàu chưa tạo được thương hiệu riêng của mình, chỉ khi tạo được thương hiệu riêng thì du khách sẽ tự tìm đến nơi đây.
Hội nghị cũng đã có những thảo luận, đề xuất từ các chuyên gia, các doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp nhằm quảng bá môi trường đầu tư và định hướng thu hút đầu tư về dịch vụ du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.