Khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, mở các tuyến bay mới là một trong những vấn đề nhiều đại biểu kiến nghị khi đề cập đến giải pháp giúp du lịch Cần Thơ phát triển. Trong ảnh: Du khách của chuyến bay charter Cần Thơ - Bangkok.
Chuyển mình
Năm 2016 du lịch Cần Thơ có bước chuyển quan trọng với sự ra đời của NQ 03, sau đó là Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19-9-2016 của UBND thành phố về đẩy mạnh phát triển du lịch (Kế hoạch 111). Từ đó, các sở, ngành, quận huyện xây dựng chương trình hành động cho du lịch. Mục tiêu của NQ 03 và Kế hoạch 111 là phấn đấu đến năm 2020, du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT & DL) Cần Thơ, cùng các quận, huyện đều chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động. Sở VHTT & DL đã xây dựng kế hoạch hành động số 4454/KH-SVHTTDL, trong đó xác định thế mạnh du lịch Cần Thơ là đô thị sông nước, bên cạnh các loại hình du lịch nổi bật: MICE, văn hóa, tâm linh, sinh thái miệt vườn, cộng đồng… Việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch thành phố theo hướng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng. Du lịch Cần Thơ đã và đang trở thành “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”.
Trên địa bàn thành phố hiện có 65 điểm vườn du lịch, di tích văn hóa lịch sử, 19 điểm homestay. Hệ thống cơ sở lưu trú hiện có 271 cơ sở (hơn 7.100 phòng), tăng 27 cơ sở lưu trú; 57 đơn vị lữ hành, tăng 23 đơn vị- so với thời điểm NQ 03 vừa được ban hành. Lượt khách đến Cần Thơ trung bình tăng từ 1-2 triệu lượt khách mỗi năm, mức tăng có tỷ lệ bình quân 20%/năm (trước đây mức tăng bình quân chỉ 12%/năm); tổng doanh thu du lịch cũng phát triển tỷ lệ thuận, với tăng trưởng bình quân 28%/năm. So sánh với các dữ liệu thống kê trước đây, số liệu về lượng khách và doanh thu đều có tỷ lệ tăng bình quân gấp 2-3 lần so với trước khi triển khai thực hiện NQ 03.
Việc tổ chức các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và mở rộng quy mô, dần hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng từ sự kiện, lễ hội, như: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (10-3 Âm lịch), Lễ hội trái cây Tân Lộc (mùng 5-5 Âm lịch, Thốt Nốt), Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy (Rằm tháng 4 Âm lịch hằng năm), Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng (9-7), Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền (27-9), Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều (tháng 8). Công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá luôn được đổi mới, từng bước tham gia, kết nối đa dạng với các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế: Thái Lan, Cộng hòa Séc, Philippines, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Thành phố tạo nhiều điều kiện hỗ trợ người dân làm du lịch. Trong 2 năm qua, ngành du lịch đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hỗ trợ 80 tỉ đồng vốn vay ưu đãi cho 1.605 dự án của các hộ dân, doanh nghiệp làm du lịch tại các quận, huyện; xây dựng nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư về du lịch; không ngừng nỗ lực mở mới và tăng tần suất các chuyến bay; tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Thách thức và nỗ lực
Du lịch Cần Thơ khởi sắc nhưng vẫn còn chậm và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trước mắt, phải xây dựng các giải pháp trong hình thành và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm về đường sông; mở mới các tuyến bay; mở rộng liên kết, đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến quảng bá; tạo điều kiện đầu tư hạ tầng về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng xây dựng môi trường du lịch.
Ông Bùi Văn Hiếu, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Lữ hành Cần Thơ, đề xuất: “So với trước kia, du lịch Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản phẩm và dịch vụ đa dạng hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải xây dựng một mô hình sản phẩm đặc thù cho du lịch Cần Thơ, cũng như đẩy mạnh khai thác các đường bay từ Cần Thơ để mở rộng thị trường, đưa Cần Thơ trở thành điểm đến chứ không phải là điểm đi như trước kia. Về xúc tiến, quảng bá, Cần Thơ cần áp dụng việc sử dụng công nghệ mới, hiện đại hơn để phát huy hiệu quả”. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khách sạn Victoria, Chủ nhiệm CLB Khách sạn Cần Thơ, nói: “Khách lưu lại Cần Thơ vẫn còn thấp, tỷ lệ bình quân từ 1,2-1,7 đêm ở khách sạn từ 3 sao trở lên. Để giải quyết vấn đề này, Cần Thơ nên có nhiều điểm dịch vụ giải trí hơn nữa, sản phẩm du lịch cần đa dạng và có bản sắc hơn. Tôi kiến nghị Cần Thơ cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng có tính cạnh tranh cao. Thành phố nên tập trung cơ sở hạ tầng du lịch, mở các tuyến bay mới với những phân khúc đa dạng. Về lâu dài, nên chú trọng môi trường du lịch”.
Sự thân thiện là một trong những nét thu hút du khách khi đến các điểm vườn ở Cần Thơ.
Trong ảnh: Du khách quốc tế vui vẻ trước sự thân thiện của người dân làm du lịch cộng đồng ở cồn Sơn.
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VHTT& DL Cần Thơ, chia sẻ du lịch thành phố có điểm xuất phát thấp, những năm gần đây tuy có phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm với vị trí là trung tâm của vùng. Chưa thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào các dự án du lịch, dịch vụ quy mô lớn. Đơn vị cũng đã tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư nhằm huy động nguồn lực vào các khu vực trọng điểm; ưu tiên phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch". Hiện thành phố đang kêu gọi đầu tư 8 dự án du lịch: Dự án khu du lịch cồn Sơn; Dự án du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc; Dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái Phong Điền; Dự án cáp treo cồn Khương; Khu du lịch sông Hậu; Khu nhạc nước và dịch vụ đa chức năng thuộc Trung tâm Văn hóa Tây Đô; Khu vui chơi giải trí Cần Thơ; các hạng mục công trình kêu gọi xã hội hóa thuộc đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”.
Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ ghi nhận những kết quả và nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong triển khai và thực hiện NQ 03, giúp du lịch Cần Thơ thay đổi diện mạo, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch gắn với sự phát triển của thành phố. Đồng chí Trần Quốc Trung chỉ đạo tiếp tục phát huy NQ 03 tích cực và chủ động hơn, tập trung các vấn đề quan trọng về sản phẩm và hạ tầng du lịch, xúc tiến mở các đường bay mới, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai nhanh các đề án, chương trình đã phê duyệt; nâng cao hiệu quả liên kết trong xúc tiến quảng bá…
* * *
Sự ra đời của NQ 03 không chỉ tác động đến nhận thức của cả cộng đồng về du lịch, mà còn là kim chỉ nam để du lịch Cần Thơ phát triển đúng định hướng, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, từng bước mang đến diện mạo mới cho Cần Thơ.