Từ thành phố Tuy Hòa, du khách xuôi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về hướng Đông 12km là đã đến với Ghềnh Đá Đĩa, thuộc thôn 6, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Thắng cảnh nổi tiếng này nằm bên bờ biển và trên đường đi đến đây, du khách đã có trải nghiệm không quên khi qua những khung cảnh yên bình với đoạn thì đồi núi trập trùng, lúc thì thấp thoáng làng mạc với những cánh đồng lúa ngút mắt.
Nhìn từ xa, Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ (rộng khoảng 50m, dài 200m) với những khối đá hình lăng trụ ngay ngắn xếp liền nhau, cùng vươn ra biển khơi. Bãi đá với hàng nghìn phiến đá óng lên màu đen nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Những trụ đá hoặc nghiêng nghiêng theo thế tiến ra biển, hoặc xếp thẳng đứng chồng chất lên nhau, cao thấp khác nhau, tạo thành khung cảnh kỳ vĩ tuyệt vời. Những cột đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, dựng đứng thành trụ liền khít, đều nhau, khiến du khách đứng trên cao nhìn xuống, có thể liên tưởng đến hàng ngàn chiến đĩa trải dài, nên có lẽ vì vậy mà được gọi là Đá Đĩa.
Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có rất nhiều ghềnh (gành) đá. Tuy nhiên, có lẽ không nơi đâu quyến rũ, hoang sơ như Gềnh Đá Đĩa ở Phú Yên. Đây là một kiệt tác hoàn hảo của thiên nhiên mà theo nhiều nghiên cứu khoa học thì ghềnh Đá Đĩa được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa) cách vị trí Ghềnh Đá Đĩa hiện nay khoảng 30km theo đường chim bay. Núi lửa này hoạt động cách nay khoảng gần 200 triệu năm, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra sát biển, bất ngờ gặp nước biển lạnh nên lập tức bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.
Danh thắng này cũng có nhiều truyền thuyết ly kỳ. Chẳng hạn như ngày xưa, nơi đây có đôi vợ chồng rất giàu có. Thế nhưng người vợ không may mất sớm khi chưa kịp có con. Sau khi vợ chết, người chồng dùng rất nhiều tài sản tặng dân nghèo. Phần còn lại ông đã cất vào kho cạnh bờ biển (tức Ghềnh Đá Đĩa ngày nay) và đi tu. Sau đó ông đã qua đời. Những kẻ tham lam đã dùng nhiều cách để chiếm đoạt và xâm nhập vào chỗ cất giấu tài sản, thậm chí chúng chất củi đốt cháy nơi này. Lửa đang cháy bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh mất hút lên không trung và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng. Sáng hôm sau, người dân ra phía bờ biển, thì chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau…
Câu chuyện kể có phần ly kỳ trên sẽ tô điểm thêm cho chuyến du lịch đến với Ghềnh Đá Đĩa của du khách thêm thú vị. Chuyến đi chắc chắn sẽ khiến du khách khó quên vì sẽ được tận hưởng nét hoang sơ, thanh bình, trong trẻo của vùng biển Phú Yên. Đứng từ trên cao, nhắm nghiền đôi mắt, hít một hơi thiệt sâu, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh khiết của đất trời nơi đây. Ghềnh hướng ra biển, mang theo cả niềm lưu luyến trên những chiếc tàu đánh cá. Vào buổi trưa, khi ánh mặt trời sắc óng rọi xuống biển, nhờ sự giao thoa ánh sáng, những tia nắng phản chiếu khiến cho ghềnh như những viên kim cương đen lấp lánh. Ghềnh Đá Đĩa nửa nổi nửa chìm trong nước biển, được sóng mài giũa quanh năm trở nên láng mịn trầm mặc với thời gian.