Du khách quốc tế thường chọn khám phá đường sông ở Phong Điền.
Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 16km, Phong Điền là vành đai xanh của Cần Thơ với diện tích cây xanh phủ rộng, không khí thoáng đoãng. Nổi bật, Phong Điền có khoảng 6.000ha vườn cây ăn trái, nổi tiếng với các loại trái ngon, như: dâu Hạ Châu, nhãn da bò, sầu riêng cơm vàng hạt lép, cam mật, măng cụt, chôm chôm…, cùng với đó là hệ thống kênh rạch khá dày, thích hợp để phát triển du lịch, đặc biệt là đường sông. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, cho biết: “Ở Phong Điền có hàng trăm con rạch lớn nhỏ và hầu hết các điểm du lịch của Phong Điền đều có lợi thế giao thông thủy”. Trong 59 điểm du lịch hiện nay của Phong Điền thì đã có 26 điểm vườn du lịch, chiếm tỷ lệ khoảng 44%. Theo đó cũng có khoảng 70-80% lượng khách đến các điểm vườn thông qua các tuyến đường sông, đặc biệt các tuyến rạch nhỏ được du khách quốc tế ưa chuộng. Ông Nguyễn Văn Diệu, chủ đò có hơn 10 năm đưa khách du lịch ở các tuyến đường sông Phong Điền, nói: “Khách nước ngoài rất thích đi mấy con rạch, rạch càng nhỏ, càng yên tĩnh, cây cối càng um tùm, họ lại càng thích”. Thông thường các tuyến rạch mà các chủ đò thường đưa khách khám phá là rạch Chuối, Trà Niềng bé, rạch Xẻo Tre, rạch Bà Hiệp, Mương Khai, Mương Điều…
Một trong những cung đường sông được nhiều du khách yêu thích đó là tuyến rạch Chuối. Tuyến rạch này khá hẹp, nhiều cây xanh với nhiều khúc cua thú vị, còn là liên tuyến của 3-4 điểm du lịch. Một trong những điểm vườn được du khách quốc tế yêu thích ở cung đường rạch Chuối là vườn sinh thái Hoàng Anh. Anh Võ Hoài Thanh - chủ vườn sinh thái Hoàng Anh, nói: “Thường khách đến đây di chuyển bằng đò nhỏ, nhưng cái khó của đường sông là con nước. Rạch càng nhỏ thì càng dễ mắc cạn, ghe đưa khách sẽ không vào được”. Theo chia sẻ của anh Thanh, với dòng khách quốc tế thì nhà vườn có 6 tháng được mùa (từ tháng 10 đến tháng 3 Âm lịch), 6 tháng không được mùa. Trong khi đó, mỗi tháng đã có khoảng 1/3 ngày là con nước không chiều lòng người, nước nông đến nỗi đò không thể di chuyển. Chị Nguyễn Thị Xuân Huệ, chủ vườn nhãn Mỹ Thuận, cũng nói: “Khách đến đây có khoảng 80% là di chuyển bằng ghe. Do lệ thuộc con nước nên hầu như các chủ đò đều phải tranh thủ, vì thế thời gian khách trải nghiệm cũng không có nhiều”.
Ở các điểm vườn này thời điểm khách đến dừng chân chỉ khoảng 1-2 tiếng, dạo quanh vườn, thưởng thức trái cây, ẩm thực, đạp xe quanh đường quê rồi về. Với thời gian lưu lại quá ngắn, ít trải nghiệm nên khách sẽ khó cảm nhận hết được những nét đẹp văn hóa bản địa và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm khách một đi không trở lại. Tình trạng này không chỉ có ở rạch Chuối, mà các rạch Bà Hiệp, Mương Khai, Mương Điều… đều gặp phải. Đò lớn không thể vào, chỉ có những ghe nhỏ mới có thể len lỏi, nhưng gặp con nước ròng thì cũng đành bỏ cuộc. Không ít chủ đò kể rằng, có khi nước cạn, đò không di chuyển được, phải ngồi đợi mấy tiếng đồng hồ, đôi khi khách không đợi được phải nhảy xuống đẩy ghe tiếp. Anh Võ Hoài Thanh bày tỏ nguyện vọng: “Tôi mong địa phương và ngành chức năng có phương án nạo vét ở những đoạn nông để tạo kiều kiện cho đò ghe qua lại dễ dàng, bà con làm du lịch cũng không còn phải ngồi canh con nước”.
Ông Võ Thành Giúp cho biết thêm: “Khách đến Phong Điền thường sẽ đi chợ nổi, sau đó tẻ ra khám phá ở các kênh rạch nhỏ. Mùa nước lớn, ghe đi thuận tiện, nhưng ở các kênh rạch nhỏ thì gặp khó lúc mùa nước kém, thường dễ mắc cạn. Do đó, chúng tôi đề xuất chọn các tuyến rạch làm du lịch, tập trung nạo vét đảm bảo lưu thông đường thủy được tốt. Phong Điền cũng có định hướng phát triển du lịch đường sông với các kênh rạch nhỏ, bởi vì đó là nét riêng độc đáo khi du khách có cơ hội tìm hiểu văn hóa bản địa, nét văn minh miệt vườn xưa của địa phương”. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề xuất làm hàng rào xanh dưới nước (trồng các loại cây như: bần, lục bình, điên điển…) ở một số tuyến, điểm được chọn. Việc này một mặt tạo cảnh quan môi trường, mặt khác tạo ra sản phẩm với những trải nghiệm như bơi ghe, hái sản vật nấu món ngon đồng quê.
Việc phát triển du lịch đường sông Phong Điền phù hợp với định hướng chung về quy hoạch phát triển du lịch của thành phố. Do đó, Phong Điền cần nhanh chóng có những giải pháp cụ thể về hạ tầng giao thông, xây dựng sản phẩm du lịch, tour, tuyến hợp lý và kết nối với các hãng lữ hành, từng bước phát huy được thế mạnh du lịch đường sông ở các kênh rạch.