Đi tìm đường băng cho du lịch đồng bằng cất cánh

Thứ hai, 01 Tháng 4 2019 14:17 (GMT+7)
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 diễn ra ở Hà Nội vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL. Hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, tổ chức và kinh doanh du lịch đánh giá tiềm năng và tài nguyên du lịch phong phú của xứ sở sông nước miệt vườn. Tuy nhiên, du lịch ĐBSCL đang cần một đường băng để cất cánh mang tên “nét riêng”!

Du lịch sông nước miền Tây thú vị, hấp dẫn nhưng cần khắc phục chuyện xả rác xuống nguồn nước. Trong ảnh: Tái hiện chợ nổi Phong Điền. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Du lịch sông nước miền Tây thú vị, hấp dẫn nhưng cần khắc phục chuyện xả rác xuống nguồn nước. Trong ảnh: Tái hiện chợ nổi Phong Điền. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Có một nơi “bán không khí cũng đủ giàu”

Với đặc thù về điều kiện tự nhiên và văn hóa, vùng đất miền Tây Nam bộ mang những phong vị riêng thu hút du khách. Đặc biệt, hệ thống kinh rạch, sông ngòi cùng màu xanh của cây trái đã tạo nên một hệ sinh thái bản địa hài hòa với thiên nhiên. Nói đến tiềm năng du lịch ĐBSCL, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ nhắc lại câu nói của một nhà đầu tư Nhật Bản khi đến vùng đất này: “Nơi đây chỉ cần bán không khí cũng đủ giàu”.

Du lịch ĐBSCL những năm qua phát triển nhanh và có đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của từng địa phương. Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho hay: Năm 2018, lượng khách du lịch đến với ĐBSCL là hơn 40 triệu lượt (tăng 17% so cùng kỳ); trong đó: khách lưu trú trên 10 triệu (tăng 20%), doanh thu từ ngành ước đạt 24.000 tỉ đồng (tăng 30%). 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng như khu điện gió Bạc Liêu, khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu… (Bạc Liêu); bến Ninh Kiều, đình Bình Thủy… (Cần Thơ); khu du lịch Núi Sam (An Giang)… 12 khu, điểm du lịch tiêu biểu khác cũng đang được tập trung xây dựng. Ông Phường cho biết thêm: Hiện toàn vùng ĐBSCL có hơn 53.000 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 15% cơ sở đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Lực lượng lao động trong ngành ước khoảng 77.000 người nhưng chỉ khoảng 40% trong số này đã qua đào tạo nghề.

Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thông tin thêm: Trong 5 năm gần đây, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hơn 10%/năm về lượt khách lưu trú và doanh thu. Gần đây, các địa phương trong vùng đã đầu tư xây dựng các sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp cộng đồng… thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, loại hình du lịch MICE (hội nghị kết hợp du lịch) đang nổi lên như một điểm sáng, đáng kể nhất là TP Cần Thơ nhờ được đồng bộ về cơ sở hạ tầng du lịch.

Kết quả phát triển của du lịch ĐBSCL vừa qua còn cho thấy hiệu ứng của việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng. Chuyến khảo sát, quảng bá du lịch đồng bằng tại các tỉnh phía Bắc vừa qua là một điển hình. Với sự tham gia của tất cả 13 tỉnh, thành và hàng trăm doanh nghiệp du lịch trong vùng, chuyến đi cho thấy sự quyết tâm để du lịch ĐBSCL vươn xa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thì cho rằng: Khu vực ĐBSCL là khu vực duy nhất trong cả nước có Hiệp hội Du lịch cấp vùng. Điều đó cho thấy sự đoàn kết, hợp tác, chung vai sát cánh của du lịch ĐBSCL với mong muốn có một vị trí xứng đáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tiềm năng là vậy, song vùng du lịch ĐBSCL vẫn chưa có được sức tăng trưởng vượt bậc, tạo dấu ấn riêng để du khách đi rồi nhớ mãi.

Nghệ thuật truyền thống ở ĐBSCL sẽ hấp dẫn du khách nếu được khai thác. Trong ảnh: Nghệ nhân múa Khmer. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nghệ thuật truyền thống ở ĐBSCL sẽ hấp dẫn du khách nếu được khai thác. Trong ảnh: Nghệ nhân múa Khmer. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Câu chuyện “chắt lọc” và “tinh tế”

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà kinh doanh du lịch trong cả nước đều thống nhất rằng, tài nguyên du lịch ĐBSCL là điều “khỏi chê”. Tuy nhiên, điểm nhấn, nét riêng là điều mà vùng du lịch này đang thiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, đơn vị này nhiều năm qua vẫn có lượng khách ổn định đến du lịch ĐBCSL và cho rằng, vấn đề là làm sao có nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm cho du khách. “Khách đến homestay, gardenstay… nhưng chỉ nghỉ và ngủ mà không có nhiều hoạt động bên lề”, ông Tài nói. Vấn đề nữa là sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành trong vùng đang trùng lặp, na ná nhau mà nói như ông Tài, cứ đến tỉnh này “miệt vườn sông nước” qua tỉnh khác lại “sông nước miệt vườn”, du khách sẽ nhàm chán khi phải “trải nghiệm lại”.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu chia sẻ, việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành ĐBSCL trong khai thác đặc thù địa phương là điều cần thiết cho du lịch đồng bằng ngay lúc này. Điều đó đòi hỏi sự chắt lọc và tinh tế nhận diện - chọn những hoạt động hợp lý và liên tiếp. Ví như qua tỉnh này cảm nhận miệt vườn sông nước, qua tỉnh khác thưởng thức nghệ thuật truyền thống, qua tỉnh nọ lại cảm thụ du lịch tâm linh, về địa phương nữa lại hòa mình vào du lịch nông nghiệp… Có như vậy, bữa tiệc trải nghiệm của du khách sẽ không nhàm chán.

Một vấn đề nữa mà các đại biểu tỏ ra tiếc rẻ là du lịch ĐBSCL đang chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch từ văn hóa các dân tộc. Những nét đặc sắc trong ẩm thực, văn hóa truyền thống, sinh hoạt cộng đồng của bà con người Hoa, Khmer, Chăm… sẽ là sản phẩm đầy hấp dẫn nếu biết khai thác. Vậy nhưng, nhiều đại biểu than phiền, đến Trà Vinh, Sóc Trăng xem những ngôi chùa Khmer rất đẹp nhưng ít có sự chỉ dẫn, cung cấp thông tin tại điểm. Hay dường như rất hiếm, du khách mới được xem vũ điệu của bà con người Khmer, người Hoa, người Chăm trên vùng đất này với tư cách là một sản phẩm du lịch.

Câu chuyện “chắt lọc” và “tinh tế” càng “nóng” hơn khi chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, cho biết: Đi đâu ở ĐBCSL bà cũng thấy canh chua, cá kho, bánh xèo... Ăn một lần thấy ngon, nhưng đôi ba lần sẽ thấy chán. Theo bà Sương, thật ra, nếu biết khai thác tốt thì ẩm thực miền Tây Nam bộ là cả một kho tàng. Nếu người làm du lịch biết khoác lên từng món ăn một câu chuyện văn hóa, một cách lý giải lý thú thì ẩm thực sẽ được nâng tầm. Cũng vậy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, nhấn mạnh: “Chỉ món hủ tiếu thôi, đi Tiền Giang, Sa Đéc, Cần Thơ, Cà Mau… ăn đều cảm thấy khác. Vấn đề là chúng ta có đủ tinh tế để nhận biết, chắt lọc không thôi!”.

Vấn đề khác cũng khiến người làm du lịch trăn trở là tình trạng ô nhiễm ở các kinh, rạch, chợ nổi ĐBSCL. Ông Nguyễn Ngọc Bích, sáng lập viên CLB Du lịch có trách nhiệm Việt Nam, chia sẻ: Cứ tưởng tượng, đang giới thiệu ĐBSCL xanh mát cây trái cho du khách đang ngồi trên xuồng thì có một thương hồ, một người dân quăng rác xuống sông, thật là bối rối để giải thích. Ông Đặng Văn Tiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, bày bỏ rằng, ông từng khuyên anh em đừng đưa khách đi tham quan kinh rạch miền Tây khi con nước xuống vì sẽ lộ ra rất nhiều rác thải. Ngay chính bản thân ông cũng từng phải tìm cách chối từ với nhiều vị khách quốc tế, đang công tác ở các tổ chức quốc tế, những chuyến tham quan chợ nổi miền Tây vì đã khác xưa và không còn thực sự hấp dẫn.

Những góp ý mang tính xây dựng và tầm nhìn này thật sự rất hữu ích cho du lịch ĐBSCL hiện nay, nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành trong vùng đều xác định mục tiêu phát triển du lịch xứng tầm.

ĐĂNG HUỲNH - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch