Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua khá tốt. Nếu năm 2002, Việt Nam chỉ đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế thì năm 2018, con số này là 15,5 triệu lượt và mục tiêu năm 2019 đón khoảng 18 triệu lượt. Tuy nhiên, nếu nhìn qua Thái Lan, năm 2018 đón 38,2 triệu lượt khách và mục tiêu năm 2019 lên tới 41 triệu lượt, gấp đôi Việt Nam, thì phải suy nghĩ.
Xác định lại thị trường
Trong 10 nước đưa khách nhiều nhất vào Việt Nam, chỉ 3 nước gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã chiếm tỉ lệ đáng kinh ngạc với gần 60% lượng khách quốc tế. Điều này cho thấy dải thị trường nguồn khách tương đối hẹp.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2019 đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những thị trường được đánh giá là khách sang, có mức chi tiêu cao như Tây Âu và Mỹ, tốc độ tăng trưởng lại không nhiều. Do đó, cần xem lại cơ cấu nguồn khách của ngành du lịch. Ngay với các thị trường trọng điểm ở khu vực châu Á, ngành du lịch cũng cần xem lại chính sách cụ thể về nguồn lực phục vụ khách. Khâu quảng bá, xúc tiến ở các thị trường này phần lớn do các công ty lữ hành tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tự làm. Dù ngành du lịch có cố gắng ở khâu này nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.
Cú hích lớn nhất của Việt Nam với ngành du lịch thời gian qua là visa điện tử và chính sách miễn visa cho một số nước… TP Đà Nẵng, Nha Trang gần đây trở thành những điểm đến có lượng khách quốc tế tăng rất mạnh, kéo theo bất động sản du lịch hưởng lợi. Nhưng phân tích kỹ sẽ thấy không phải do chúng ta tự làm mà chủ yếu các hãng hàng không nước ngoài mang khách vào. Tỉ lệ bay charter (thuê bao nguyên chuyến) của lượng khách vào Nha Trang, Đà Nẵng từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… vừa qua rất cao. Do đó, ngành du lịch Việt Nam cần xác định lại thị trường, tính toán chính sách đón khách, nhất là trong bối cảnh chúng ta chưa kịp chuẩn bị, đến cả sân bay, cảng biển cũng đang quá tải…
Thiếu sản phẩm du lịch ban đêm
Để đón thêm nhiều triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, cần chuẩn bị về sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm du lịch giống như hình que, du khách đi dọc từ Bắc vào Nam chỉ cần đi một lần là biết hết, khám phá hết. Chưa kể sản phẩm khá đơn điệu, du lịch đang thiếu sản phẩm vùng, liên kết vùng.
Sản phẩm ngành du lịch đang khai thác chủ yếu từ sáng đến 17 giờ. Đây là sản phẩm "cứng" mà các công ty du lịch đang làm. Riêng sản phẩm từ 18-22 giờ là sản phẩm ban đêm lại quá thiếu. Chúng ta có rất nhiều khách sạn, resort đẹp nhưng khách đến đó chỉ nghỉ dưỡng, ở trong resort 1-2 đêm không biết đi đâu, không có chỗ chơi, chỗ ăn…
Đơn cử ở Hồ Tràm, các resort ở khu vực này rất đẹp nhưng xung quanh không có gì, hải sản tươi ngon mà chỉ vài quán lèo tèo phục vụ. Làm sao khách đến nhiều, ở lâu? Cần phải đầu tư cho sản phẩm ban đêm nếu muốn giữ chân du khách, tạo nguồn thu cho địa phương và qua đó tăng ngân sách.
Mới đây, nhiều địa phương cũng quan tâm phố đi bộ ban đêm nhưng thiếu quy hoạch nên chưa phát triển như ý muốn. Sản phẩm ban đêm là những sản phẩm gì? Ngay cả ở TP HCM, ban đêm cho khách nước ngoài đi xem những chương trình, show biểu diễn văn hóa cũng rất khó, quanh quẩn chỉ có múa rối nước, À Ố show… Mà thu ban đêm mới là thu chính! Khách đi tour 1 ngày tốn gần 100 USD nhưng một đêm bước ra đường có thể tiêu xài gấp đôi. Ngay dịch vụ mua sắm cũng chưa được đầu tư nên khách chỉ mua những đồ lưu niệm rẻ tiền...
Lãng phí bất động sản du lịch
Bất động sản du lịch cũng đang lãng phí rất lớn khi các doanh nghiệp chỉ mới tiếp cận ở mép nước, trong khi du lịch nghỉ dưỡng bao gồm cả mép nước, trên mặt nước và dưới nước.
Một resort 5 sao gần biển, doanh nghiệp đầu tư cả trăm ngàn USD, mỗi đêm chỉ thu được khoảng 250 USD tiền phòng. Tuy nhiên, nếu tổ chức thêm sản phẩm lặn biển, mỗi lần lặn đã 200 USD, mỗi ngày tổ chức được nhiều lần và chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều xây resort; rồi tàu chở du khách đi tham quan trên biển cũng chủ yếu là tàu cá, làm sao chở được nhiều khách?
T.Phương ghi