Khác với nghệ thuật làm gốm của người Kinh, gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm Ninh Thuận không dùng bàn xoay để tạo hình mà hoàn toàn dùng tay để nuông nấng nên hình hài của những sản phẩm gốm.
Nguyên liệu làm gốm cũng khá độc đáo gồm đất sét được lấy từ bờ sông Quao, sau đó đem về đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát trộn với đất sét tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Vì vậy, gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác biệt so với những loại gốm khác.
Gốm sau khi làm xong là bắt đầu trang trí hoa văn. Đa phần, gốm Bàu Trúc có hoa văn thể hiện về sông nước, chấm vỏ sò, thực vật hay hình ảnh của những vị thần tạo nên ánh nhìn mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.
Với những nét đặc sắc trong nghệ thuật tạo gốm, nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của đồng bào Chăm tại làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng gốm Bàu Trúc đang là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Ninh Thuận.