Đến Cồn Sơn gặp người nuôi nhiều loài cá quý

Thứ tư, 03 Tháng 7 2019 14:30 (GMT+7)
“Bảy Bon” là cách gọi gần gũi mà người dân ở Cồn Sơn dùng để gọi ông Lý Văn Bon (ngụ khu vực 1, Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy- TP Cần Thơ)- người đàn ông có nụ cười hiền với hơn mấy mươi năm gắn bó với nghề nuôi cá bè trên sông Hậu.

Du khách thích thú khi được tận mắt nhìn thấy rất nhiều các loài cá khác nhau.

Du khách thích thú khi được tận mắt nhìn thấy rất nhiều các loài cá khác nhau.

Hòa cùng với nhịp độ phát triển du lịch tại địa phương, ông Bảy Bon còn mạnh dạn nuôi thêm nhiều loài cá quý như trê hồng, hỏa long (chạch lửa), hồng vỹ, cá cọp, cá koi ngũ sắc,… để phục vụ như cầu tham quan của du khách.

Bỏ việc, rời quê nuôi cá “cho thỏa đam mê”

Cách trung tâm quận Bình Thủy, TP Cần Thơ một chuyến đò ngang chừng 500m là đến bè nuôi cá của ông Bảy Bon. Nói về cơ duyên và vận may làm giàu nhờ con cá nuôi bè, ông Bảy Bon bộc bạch: “Quê tôi ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau). Tôi gắn bó với con cá, con tôm từ bé. Nhưng để phát triển và làm giàu với cá, tôm, tôi nghĩ cần phải trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi theo học ĐH Thủy sản Nha Trang. Vậy mà khi ra trường  hoàn cảnh đưa đẩy, tôi không gắn bó được với nghề mà xin vào làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Cà Mau”.

Trong quá trình làm việc, ông Bon có cơ may gặp được Tiến sĩ thủy sản Philip- người Pháp. Hai con người có niềm đam mê với nghề nuôi thủy sản đã được dịp trao đổi rất nhiều chuyện quanh vấn về này.

“Ông Philip nói với tôi, trong quá trình nghiên cứu tại Cần Thơ, ông ấy nhận ra dòng sông Hậu dưới chân Cồn Sơn nước chảy rất mạnh lại có dòng nước xoáy, nên cá chẽm và các loại cá khác tập trung về đây sinh sôi nhiều. Nên việc chọn nơi này đầu tư bè nuôi cá là tốt nhất, nhờ lượng oxy cung cấp dồi dào cho cá, nguồn nước lại giàu thức ăn và ít bị ô nhiễm”.

Cuộc đời ông Bảy Bon chuyển sang một hành trình mới khi ông quyết định nghỉ việc về Cồn Sơn nuôi cá lồng bè vào năm 2000. 

Song may mắn đã không mỉm cười, khi con cá điêu hồng vốn đang được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ nuôi, nhanh thu hoạch lại có lúc rơi vào cảnh “tuột dốc không phanh”. Thua lỗ tiền tỷ, nhưng ông Bon không nản lòng, quyết tâm tìm hiểu thêm những mô hình, những loài cá khác cho hiệu quả kinh tế cao để nuôi.

Cơ duyên lại một lần nữa tìm đến khi ông được quen biết với ông Tư Kháng (quê Hậu Giang), là một trong những người đem con cá thác lác từ cườm về Cần Thơ và nhờ ĐH Cần Thơ nghiên cứu, sinh sản thành công.

Bằng tình yêu với nghề nuôi thủy sản, ông lại một lần nữa mạnh dạn xung phong đem con cá thác lác cườm về nuôi trên sông Hậu.

“ Đó là năm 2012, tui nuôi chừng 250.000 con. Đến lứa tôi thu hoạch được gần 80 tấn đem lại lợi nhuận trên 2 tỷ đồng. Nhờ đó mà xóa hết nợ ngân hàng và gắn bó với con cá thác lác cho tới giờ”.

Nếu lúc đầu chỉ sở hữu vài lồng bè thì đến nay số lồng bè của ông Bảy Bon đã lên con số 36 với diện tích trên 5.000m2, trị giá gần 20 tỷ đồng.

Ngoài cung cấp cá tươi cho các đại lý, thương lái khắp nơi, ông Bảy đã mở hẳn một cơ sở chế biến món đặc sản cá thác lác rút xương, cá thác lác muối sả, hoàn toàn thủ công và không sử dụng các chất bảo quản. Hiện các sản phẩm trên đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, mở ra tương lai tươi sáng cho nghề nuôi và chế biến đặc sản cá thác lác.

“Để có được ngày hôm nay vất vả lắm. Nhưng tôi rất vui vì mình được làm công việc thỏa với niềm đam mê”- ông Bon tâm sự như vậy.

Ông Bảy Bon đang sở hữu nhiều loài cá quý, hiếm mà ông đã sưu tầm được, trong đó có cá hồng vỹ- loài cá đặc trưng của vùng Amazon xa xôi.

Ông Bảy Bon đang sở hữu nhiều loài cá quý, hiếm mà ông đã sưu tầm được, trong đó có cá hồng vỹ- loài cá đặc trưng của vùng Amazon xa xôi.

Từ kinh doanh chuyển sang phục vụ du lịch

Thời gian gần đây, ông Bảy Bon được rất nhiều người biết đến không chỉ vì ông đang sở hữu số lượng bè cá lớn trên sông Hậu, mà còn vì những loài cá quý, hiếm mà ông đã sưu tầm được. Trong đó, hồng vỹ, cá cọp là hai loại cá lạ, được mệnh danh là loài “thủy quái” có xuất xứ từ Nam Mỹ.

Theo ông, những loài cá kể trên được mua chủ yếu từ người dân đánh bắt trên sông Hậu vì sở thích chứ không có ý định gì làm du lịch cho đến khi người bên CLB Du lịch Cộng đồng Cồn Sơn liên hệ và mong muốn được dẫn khách đến tham quan.

“Thú thật tôi cũng đắn đo nhiều. Song khi nghĩ đến việc, du khách biết được quá trình nuôi cá, từ đó sẽ có cái nhìn đúng hơn về chất lượng con cá nuôi lồng bè thông qua việc tham quan, tôi đồng ý liền”- chú Bảy cười sảng khoái nói.

Để tăng thêm sự thích thú cho khách đến tham quan, ông còn tập trung huấn luyện cá koi bú bình, trê hồng lượn sóng, cá “cung thủ” săn mồi,....

“Ngày thường thì khoảng vài chục khách, lễ hoặc cuối tuần có khi có tới 300- 400 khách tham quan mỗi ngày. Hiện mỗi khách tham quan trên bè, phí là 10.000 đ/lượt.

Ông Bảy Bon tự mình cho cá ăn, kéo cá lên để phục vụ khách tới tham quan.

Ông Bảy Bon tự mình cho cá ăn, kéo cá lên để phục vụ khách tới tham quan.

 Có thể thấy việc mạnh dạn đầu tư trên tinh thần dám nghĩ dám làm đã đem đến thành công cho ông. Việc chuyển hướng từ kinh doanh sang cho khách tham quan du lịch không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tạo được sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương Cồn Sơn.

Riêng với ông Bảy Bon, niềm vui của khách là động lực để ông phấn đấu, xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương, cũng như góp phần bảo vệ nguồn cá quý để nhiều du khách được cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch