Phong cảnh non nước hữu tình trên núi Cấm
Nằm trong xu thế nâng chất hoạt động DL của tỉnh, huyện Tịnh Biên đang cho thấy nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển DL, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết: “Hiện nay, huyện đang thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 948, vốn được xem là “mạch máu” giao thông chủ yếu của địa phương dẫn vào Khu DL núi Cấm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Mỗi năm, huyện Tịnh Biên đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nên việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt, quan trọng trong việc tạo ra “sức bật” mới cho hoạt động DL tại địa phương”.
Thời gian qua, Tịnh Biên đang tập trung nhiều nguồn lực nhằm đa dạng hóa các hoạt động DL tâm linh trên núi Cấm. Với khí hậu mát mẻ, rừng cây trập trùng cùng nhiều chùa, vồ, hang, điện, động và điểm xuyết là mặt nước trong vắt của hồ Thủy Liêm, hồ Thanh Long đã tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình, làm say đắm du khách. Đặc biệt, tượng Phật Di Lặc cao 33,6m được công nhận kỷ lục Guinness là “Tượng phật cao nhất trên đỉnh núi ở Châu Á” kết hợp với tháp Xá Lợi Phật, chùa Vạn Linh đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo du khách muốn tìm cảm giác an nhiên, tự tại giữa làn sương mờ bảng lảng.
Để phát triển các hoạt động DL trên núi Cấm, UBND huyện Tịnh Biên đã nỗ lực xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường; chấn chỉnh hoạt động của lực lượng “xe ôm” trên núi; đảm bảo trật tự mua bán, kinh doanh không chèo kéo du khách; tháo dỡ các lều, quán gây mất mỹ quan trong Khu DL núi Cấm… Nhờ đó, các hoạt động DL đã đi vào nền nếp, tạo được thiện cảm đối với du khách mỗi khi đặt chân đến “nóc nhà miền Tây”. Đồng thời, UBND huyện Tịnh Biên đã thực hiện công trình nâng cấp đường đi bộ quanh bờ và gia cố mái ta-luy hồ Thủy Liêm trên núi Cấm, với kinh phí đầu tư hơn 25 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh. Khi công trình hoàn thành sẽ góp phần tạo thêm vẻ mỹ quan tại khu trung tâm hành hương trên núi Cấm, phục vụ tốt nhu cầu thưởng ngoạn của du khách gần xa.
Du khách nước ngoài rất thích thú khi đến rừng tràm Trà Sư
Năm 2019, rừng tràm Trà Sư đã được Tập đoàn Sao Mai đầu tư nâng chất các loại hình DL sinh thái. Đây là tín hiệu tích cực trong việc đánh thức tiềm năng của “thiên đường xanh ngập nước”, nhằm thu hút những du khách đam mê khám phá và muốn tận hưởng phút giây thư giãn giữa chốn thiên nhiên hoang sơ, mang đậm dấu ấn của thời mở đất. Đến với rừng tràm Trà Sư vào thời điểm này, du khách sẽ được ngắm nhìn những đàn chim tung cánh giữa tán tràm đang phủ trắng bông và thưởng thức món ăn dân dã đồng quê, qua đó sẽ giúp du khách cảm nhận và hiểu rõ hơn về những nét đặc thù của khu rừng ngập nước đặc thù nằm phía Tây của con sông Hậu.
Song song với việc cải tạo cảnh quan môi trường nhằm tạo ra những sản phẩm DL mới và đặc trưng, UBND huyện Tịnh Biên còn tập trung nâng chất nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này. “Mục tiêu của chúng tôi là phải đào tạo những con người đủ năng lực để làm DL. Đây là việc làm cần thiết, có tác dụng lâu dài trong việc tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với nơi này. Bên cạnh đó, với việc đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí sẽ đóng vai trò then chốt để tăng nguồn thu từ DL. Chúng tôi mong muốn rằng, du khách khi đến với Tịnh Biên sẽ có thể ở lại đây lâu hơn và có nơi để vui chơi, giải trí chứ không đơn giản chỉ cúng viếng chùa chiền hay ăn vài món đặc sản rồi rời khỏi Tịnh Biên. Khi thực hiện được mục tiêu trên thì DL mới từ tiềm năng trở thành thế mạnh của địa phương” - ông Nguyễn Thành Huân khẳng định.
Năm 2018, lượng khách đến tham quan các điểm DL của huyện hơn 3,2 triệu lượt với doanh thu hơn 329 tỷ đồng, tăng gần 6,4% so cùng kỳ, trong đó có 16.350 khách nước ngoài. Hiện nay, huyện Tịnh Biên đang vận dụng mọi nguồn lực phát triển DL tâm linh, tập trung vào cụm di tích chùa Phật Thới Sơn, đình Thới Sơn, chùa Phước Điền và đã tổ chức khánh thành nhà trưng bày hiện vật liên quan đến Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên với kinh phí đầu tư 2,4 tỷ đồng.