Bạc Liêu cần phát triển 3 "trụ cột" du lịch trong liên kết vùng ĐBSCL

Thứ năm, 08 Tháng 8 2019 09:37 (GMT+7)
Bạc Liêu với tài nguyên du lịch (DL) phong phú, giàu bản sắc văn hóa được hình thành từ lâu đời bởi cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa đã tạo ra một không gian DL hấp dẫn. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, mà cần một cái nhìn khái quát, toàn diện hơn. Không gian DL, sản phẩm DL và nguồn nhân lực DL cần được xác định là 3 "trụ cột" phát triển bền vững của DL Bạc Liêu, đặt trong mối liên kết với DL vùng ĐBSCL.

Nhận diện 3 “trụ cột”

Không gian DL Bạc Liêu chứa đựng nhiều tài nguyên DL phong phú, thể hiện qua các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: lễ vía Bà Nam Hải, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Dạ cổ hoài lang, lễ hội Oóc-om-bóc… Bạc Liêu hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia như: di tích Nọc Nạng, tháp cổ Vĩnh Hưng, đình An Trạch, Thành Hoàng cổ miếu… Đặc biệt, nơi đây có đến 9 điểm DL tiêu biểu cấp vùng (nhiều nhất khu vực ĐBSCL)!

Sản phẩm DL đặc thù được hiểu là những sản phẩm được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo, có thể tương đồng, nhưng chứa đựng sự khác biệt với khả năng tạo sự hấp dẫn của một vùng. Bạc Liêu với vai trò là điểm DL kết nối, dừng chân và là điểm đến độc đáo, hấp dẫn, vừa mang đặc điểm chung của không gian DL vùng ĐBSCL, vừa mang đặc thù riêng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải đầu tư, khai thác hợp lý hơn để phát huy giá trị. Cảnh quan sông nước, vùng sinh thái ngập nước, cánh đồng điện gió, văn hóa bản địa, văn hóa ẩm thực đặc sắc, đờn ca tài tử, các lễ hội, làng nghề truyền thống, di tích văn hóa - lịch sử… chính là những sản phẩm DL độc đáo, tạo ra nguồn tài nguyên DL nhân văn giá trị.

Về “trụ cột” nguồn nhân lực DL, nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực DL chất lượng cao, đặc biệt là năng lực, nghiệp vụ DL, ngoại ngữ. Điều đó là cần thiết, song đặt vào yêu cầu thực tiễn chung của Bạc Liêu thì cần được xem xét thấu đáo. Không nên chỉ đặt vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà cần đặt vấn đề cung ứng nhân lực theo nhu cầu thị trường DL và định hướng phát triển DL của tỉnh. Đặc biệt, chú ý nhân lực phục vụ không gian DL bao gồm các tuyến, điểm DL và cung ứng sản phẩm DL đặc thù của tỉnh để không “lệch pha” trong đào tạo và sử dụng, bất cập cung - cầu, lãng phí nguồn lực.

Du khách tham quan Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T

Liên kết các chuỗi giá trị ngành DL

DL Bạc Liêu có nhiều tiềm năng phát triển xét trên 3 trụ cột không gian, sản phẩm và nguồn nhân lực. Song, cần phải nhìn nhận lĩnh vực này chưa được tỉnh đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả.

Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng cách làm DL vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Công tác quảng bá, xúc tiến DL còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp; hệ thống hạ tầng chưa đồng độ, nguồn nhân lực phục vụ DL còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, các sản phẩm DL chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết.

Các liên kết vừa qua diễn ra trong vùng, trong đó có sự tham gia tích cực của Bạc Liêu, mới chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền thông qua ký kết các chương trình hợp tác, thiếu ràng buộc pháp lý nên hiệu quả chưa nhiều. Ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm DL, cơ quan truyền thông… trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu DL theo hướng phát triển các chuỗi giá trị ngành DL và sản phẩm DL đặc thù. Trên cơ sở đó, có phân công, phân vai trong liên kết, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững. Liên kết vùng không chỉ bao gồm những hoạt động ký kết hợp tác, hay liên kết giữa chính quyền địa phương với nhau mà quan trọng hơn là làm sao tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị ngành DL bền vững.

Nếu như liên kết là sự hợp tác, chia sẻ thông tin, nguồn lực, hoạt động và khả năng của các thành viên trong nhóm liên kết nhằm đạt được mục tiêu chung, mang lại lợi ích chung, thì liên kết không gian, sản phẩm và nguồn nhân lực DL chính là sự hợp tác, chia sẻ, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên DL của các bên nhằm đạt được mục tiêu phát triển DL bền vững, mang lại hiệu quả tốt hơn. Một chương trình liên kết “không gian, sản phẩm và nguồn nhân lực DL” vì vậy là hết sức cần thiết. Theo đó, cần phát huy các “lợi thế dùng chung” và tạo ra “sản phẩm DL đặc thù”. Ba "trụ cột" phát triển này cần chú trọng 5 nội dung: liên kết phát triển sản phẩm DL, xây dựng thương hiệu, đào tạo phát triển nguồn nhân lực DL, phát triển hạ tầng DL và liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm DL đặc thù vùng và địa phương.

Liên kết các “trụ cột” DL này cũng là công cụ hữu hiệu để phát triển vùng DL và chuỗi giá trị sản phẩm DL Bạc Liêu.

Trần Hữu Hiệp

(Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL)

 baobaclieu.vn
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch