Bãi Nam - hòn Mấu, nơi có nhiều tàu bè neo đậu.
Hòn Mấu hiện có khoảng 130 hộ dân, đa số sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản và nuôi cá lồng bè, một số ít làm rẫy, mua bán và làm dịch vụ du lịch. Tuy là một hòn đảo nhỏ bé nhưng nhờ cảnh quan và ngư trường quanh đảo lúc nào cũng sôi động nên ngày càng thu hút du khách. Cuộc sống của người dân nơi đây khá ổn định, bà con chỉ cần dùng điện thoại là có thể giao dịch với tất cả mọi người trên đảo và đất liền.
Du khách đến hòn Mấu có thể lên tàu cao tốc tại bến tàu Rạch Giá. Sau hơn 3 tiếng, tàu sẽ cặp bến hòn Củ Tron, còn gọi là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn, trung tâm của quần đảo Nam Du. Ngồi trên tàu, nhìn về hướng Tây Nam, là vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của một cụm đảo xanh rì giống như một thế trận vững chãi giữa trùng khơi. Đó chính là quần đảo Nam Du trong đó Củ Tron là hòn lớn nhất, gần đó là hòn Ông, hòn Ngang, hòn Dầu, hòn Bờ Đập, hòn Nồm, hòn Mấu…, tất cả đều thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách xa bờ Rạch Giá chừng 90km.
Khi tàu cặp bến, mọi người dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống, tham quan, ngoạn cảnh. Sau đó, thuê tàu du lịch sang hòn Ngang và tiếp tục đi tiếp khoảng 30 phút nữa là tới hòn Mấu. Đến hòn Mấu, ấn tượng đầu tiên đập là nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và biển cả bao la màu ngọc bích. Ở đây có nhiều bãi biển, đẹp nhất là bãi Chướng hình vòng cung với những hàng dừa soi bóng chạy dài trên 1km. Không khí nơi đây lúc nào cũng mát lạnh, trời lộng gió, rất thích hợp du lịch mùa hè. Bãi Bắc, còn gọi là bãi Đá Đen, có muôn hình vạn trạng đá cuội lớn nhỏ, nhấp nhô, lóng lánh. Ai đến đây cũng muốn sưu tầm vài viên đá đẹp đem về làm kỷ niệm cho chuyến đi. Bãi Nam nằm ở phía mặt tiền, cát trắng mịn, sạch, đẹp, ít sóng gió nên được chọn làm cầu cảng và nuôi cá lồng bè, tàu thuyền neo đậu suốt ngày.
Đến hòn Mấu, điểm dừng chân trước tiên là bãi Nam, vừa là làng chài đông đúc vừa là nơi tàu ghe neo đậu; kế đến là bãi Chướng. Cả hai đều giữ vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn với những làng chài và bè cá. Hoạt động đánh bắt chủ yếu là nghề lưới ghẹ và đánh bắt mực. Về đêm, hằng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn lấp lánh ngoài khơi trông như những chòm sao lung linh, huyền ảo. Sau 11 giờ đêm, máy đèn ngưng hoạt động, toàn đảo trở nên vắng lặng, êm đềm, chỉ còn lại tiếng sóng vỗ.
Có thể nói, hòn Mấu như một viên kim cương lấp lánh giữa trùng khơi nhờ có nhiều bãi biển đẹp, những tảng đá kỳ vĩ và rừng cây bát ngát xanh um. Được biết trong chiến lược phát triển du lịch, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ đưa hòn Mấu trở thành đảo du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng ấp Hòn Mấu phấn khởi cho biết, khi hòn Mấu trở thành đảo du lịch cộng đồng, khách du lịch cũng sẽ hài lòng vì nơi đây phong cảnh hữu tình, con người thân thiện, hiếu khách và nguồn hải sản dồi dào. Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết thêm, hầu như đảo nào có người ở là có miếu thờ, đặc biệt tại hòn Mấu có Lăng Ông Nam Hải, hằng năm đều cúng kiến thành kính.
Đến hòn Mấu, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, uống nước dừa tươi. Mỗi món ăn đều có những hương vị đặc trưng vùng biển đảo, nhất là sò, ốc, mực, ghẹ.