Hoà vào sóng biển
Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), diện tích chỉ khoảng 11,7 km2, nhưng lại sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, với những bãi cát mịn, sóng biển rì rào…
Những bãi đá hoang sơ, ngày đêm sóng biển vỗ về.
Thật vậy, Hòn Sơn cuốn hút du khách ngay từ khi vừa đặt chân lên cầu cảng với màu xanh núi rừng, những bãi cát sạch sẽ, những bãi đá ầm ì sóng vỗ và không thể không nhắc tới những hàng dừa xanh mướt.
Hòn Sơn cách TP Rạch Giá khoảng 1 giờ 30 phút đi tàu cao tốc. Đến Hòn Sơn du khách thoả thích sống với thiên nhiên giữa núi rừng, biển cả và chan hoà đời sống người dân chân chất, thiệt tình. Người dân sinh sống lâu đời bằng nghề đánh bắt hải sản, sản xuất nước mắm, dịch vụ mua bán và chế biến hải sản. Nghề sản xuất nước mắm ở đảo rất nổi tiếng, với đặc trưng “nước mắm hòn”, mà hễ “Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon/Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi”.
Du khách có thể chọn xe điện dịch vụ đi vòng quanh đảo, nhưng xe gắn máy là phương tiện thuận lợi nhất để có thể khám phá mọi ngóc ngách trên đảo. Hòn Sơn có 4 làng chài (bãi Thiên Tuế, Bãi Nhà, Bãi Bấc, Bãi Giếng), ngư dân thường đi đánh bắt cá, tôm, mực… từ chiều hôm trước đến khoảng 8-9 giờ sáng hôm sau. Nếu muốn trải nghiệm những mẻ lưới cá tươi rói, du khách phải “canh” giờ ghe cập bến. Hải sản tươi giá cả phải chăng, nên luộc hay nướng đều rất ngon.
Để đi hết Hòn Sơn, chúng tôi dành 1 ngày xuống biển, 1 ngày lên rừng. Cung đường biển quanh đảo uốn lượn rất đẹp, một bên là núi rừng xanh ngát, một bên là biển sóng vỗ về ghềnh đá. Những bãi đá còn rất hoang sơ, được sóng gió biển bào qua thời gian mòn nhẵn nối nhau thành bãi dài. Trong khi đó, những bãi biển đẹp, hoang sơ như bãi Bàng, Bãi Nhà, Bãi Thiên Tuế, Bãi Giếng, Bãi Bấc... khiến du khách không thể cưỡng lại mà phải lao mình xuống.
Bãi Xếp còn gọi là bãi Dừa Nằm, vì có cây dừa nằm tựa vào đá vươn ra biển rất “thần thánh”. Đây là địa điểm chụp ảnh, selfie ưa thích của du khách… Còn Bãi Bàng được xem là bãi biển đẹp nhất Hòn Sơn với đường bờ biển dài, có những bãi đá mòn nhẵn nối nhau che chắn bớt từng con sóng. Giữa làn nước trong xanh và cát mịn, nhìn ngắm những rặng dừa dọc bờ biển lả lướt trong gió, sẽ có cảm giác thư thái và thấy như mình hoà nhập với thiên nhiên.
Trekking Ma Thiên Lãnh
Và để hoà vào thiên nhiên một cách trọn vẹn hơn, ngày thứ 2, chúng tôi chuẩn bị hành trang lên rừng, men theo đường mòn chinh phục ngọn núi cao nhất. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi để xe máy lại chân núi, thoa kem chống muỗi, đợi các nhóm leo núi khác để cùng đi “cho có bạn”.
Hòn Sơn có 7 ngọn núi, trong đó Ma Thiên Lãnh là đỉnh cao nhất với độ cao 450 m so với mực nước biển. Đường lên Ma Thiên Lãnh có những con dốc cao, có thể khiến bạn… hụt hơi và mùa mưa đường trơn, nhiều muỗi. Tuy nhiên, nếu được trang bị đồ dùng cần thiết, bạn hãy mạnh dạn làm một chuyến lên rừng vì có rất nhiều trải nghiệm thú vị dành cho bạn khám phá.
Dọc đường đi, nhiều nhà dân làm điểm dừng chân cho du khách. Người dân không chỉ mời khách ghé quán võng nghỉ ngơi, uống dừa đảo, đặt gà “leo núi” bồi dưỡng khi trở xuống, mà còn thân thiện hỏi du khách từ đâu tới, cặn kẽ chỉ đường lên núi, cẩn thận khi leo lên đỉnh Ma Thiên Lãnh. Không chỉ các bạn trẻ, chúng tôi còn gặp nhiều nhóm du khách lớn tuổi háo hức… chống gậy leo núi, mồ hôi nhễ nhại vẫn tươi cười vì “tới Hòn Sơn mà không lên đỉnh Ma Thiên Lãnh coi như chưa tới”.
Vừa leo núi, du khách có thể khám phá thảm thực vật đa dạng, xanh tươi của rừng nhiệt đới. Đặc biệt, chúng tôi ấn tượng với những bảng chỉ dẫn dọc đường, vừa gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, dễ thương như: “Hãy giữ gìn cho rừng mãi sạch, xanh”, “Đừng để lại gì khác ngoài dấu chân”…
Thật sự khi đặt chân lên đỉnh Ma Thiên Lãnh, ngồi trên vách đá nhìn trời biển bao la bên dưới, mọi mệt nhọc dường như tan biến hết./.