Đền Bến Dược. Ảnh: diadaocuchi.com.vn
Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược nằm ven sông Sài Gòn trong địa bàn “Tam giác sắt” thời chiến tranh chống Mỹ, được khởi công vào ngày 19 tháng 5 năm 1993 và khánh thành giai đoạn I ngày 19-12-1995. Đền được xây trên mảnh đất 7ha trong quần thể Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Đây được xem là một trong những đền tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ lớn nhất nước ta.
Đền Bến Dược được xây dựng theo phong cách truyền thống với các hàng cột tròn sơn đỏ, mái lợp ngói âm dương. Cổng tam quan có hoa văn, họa tiết, mái cong mô phỏng cách điệu như những cổng đình làng ở nông thôn Việt Nam. Trên, chính giữa cổng tam quan là biển đề Đền Bến Dược và trên các thân cột là những câu đối ngợi ca những anh hùng liệt sĩ.
Qua cổng tam quan, ta sẽ đến nhà bia, đó một nhà vuông có hai mái, lợp ngói, ở giữa đặt một tấm bia đá cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn. Tấm bia đá này được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và được các nghệ nhân đẽo gọt, chạm khắc những hoa văn độc đáo.
Trên tấm bia đá có khắc bài văn với tựa đề “Đời đời ghi nhớ” của nhà thơ Viễn Phương, viết theo phong cách cổ thi, ca ngợi, tôn vinh lòng tự hào dân tộc, quá khứ hào hùng của cha anh. Bài văn bia thiết tha, bi tráng, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc. Cũng trong bài văn bia, đoạn sau cùng nói về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử:
“...Ầm, ầm chiến dịch Hồ Chí Minh như bão gầm, như thác lũ, dũng tướng, tinh binh, bạt núi, san đèo, tiến về Thành phố
Rạp trời cờ đỏ
Trúc chẻ ngói tan
Quét sạch hung tàn
Quê hương giải phóng
Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn... chim bay về núi tối rồi.
Máu hồng tỏa hương chính khí,
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhớ thương người đã khuất,
Khắc đá làm bia dụng giữa đất trời.
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng,
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người”.
Qua khỏi nhà bia, khách sẽ tiếp cận với đền chính. Đây là kiến trúc mang phong cách cổ truyền thống. Trung tâm là bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai hương án trái và phải thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, đồng chí đã hy sinh, chưa tìm được tên. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối dân chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng vũ trang. Đây là nơi ghi danh sách các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước cùng tụ hội về đây. Có tất cả 44.752 tên anh hùng liệt sĩ được tạc tại gian chính điện cùng phối thờ (số liệu tính đến ngày 14-12-2012).
Trong đền còn thể hiện những sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với chủ đề: “Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiên cường, bất khuất” gồm có 9 không gian với các chủ đề: “Giặc Pháp xâm lăng, toàn dân Việt Nam quên mình giữ nước”, “Những nhân vật tiêu biểu từ năm 1920-1945”, “Nổ phát súng đầu tiên chống Pháp xâm lược lần thứ hai”, “Đấu tranh chính trị, võ trang binh vận ba mũi giáp công ở Sài Gòn”. “Đây là vành đai đỏ với thế trận lòng dân ngay trung tâm đầu não Mỹ ngụy như đặc công Rừng Sác, Củ Chi đất thép thành đồng, An Phú Đông, Bàu Cò, Láng Le”, “Tiến công địch trong mùa xuân 1968”, “Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam mùa Xuân 1975”, “Xả thân vì nghĩa lớn”, “Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ”.
Bên trái của đền chính là Tháp Chín tầng cao sừng sững, uy nghi như biểu hiện cho khát vọng vươn lên của một dân tộc đã đi qua những năm tháng chiến tranh đau thương, mất mát, đang hướng tới tương lai. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2367/QĐ-TTg công nhận quần thể Địa đạo Củ Chi là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt (Đền Bến Dược nằm trong quần thể). Hàng năm có hàng triệu lượt người đã đến đây dâng hương tưởng niệm.