Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 629 cơ sở lưu trú cùng 77 đơn vị lữ hành. Năm 2018, toàn tỉnh thải ra khoảng 240.000 tấn rác, trong đó có 20%-30% rác thải nhựa từ hoạt động du lịch.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết dự kiến đến năm 2020, Quảng Nam sẽ đón 8 triệu lượt khách. Điều này đã đặt ra thách thức cho tỉnh khi đứng giữa sự phát triển du lịch và nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Bởi theo ông Thanh, có rất ít du khách ý thức việc hạn chế rác thải nhựa và dùng sản phẩm thay thế. "Muốn khai thác du lịch ở vị trí nào đó nhưng rất ngại phát sinh ô nhiễm từ rác thải. Vì thế, nhất thiết phải thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng rác thải nhựa và thay bằng sản phẩm thay thế. Việc này giúp khai thác tối đa tiềm năng, hạn chế tác hại của rác thải nhựa từ du lịch" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Người dân Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, nói không với túi ni-lông để hạn chế tối đa tác hại từ rác thải nhựa
Theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch chống rác thải nhựa và giao trách nhiệm cho các địa phương. Trong đó, tỉnh xác định truyền thông đến cộng đồng nhưng cốt yếu vẫn là phải tạo ra sản phẩm thay thế.
Ông Pieter Debrine, Giám đốc Chương trình Du lịch bền vững - Trung tâm Di sản thế giới - UNESCO Paris, cho biết UNESCO rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường trong di sản và muốn làm được phải có chương trình cụ thể và đặc biệt là nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp. "Chúng ta đã chứng kiến lượng khách tăng trưởng mạnh ở Hội An, Quảng Nam. Cộng đồng doanh nghiệp, địa phương đã nhận ra du lịch đang đe dọa lên di sản. Điều cốt yếu là làm sao phải duy trì được bản sắc bên trong di sản" - ông Pieter Debrine nhấn mạnh.
GS Peter Larsen, Đại học Geneva (Thụy Sĩ), cho biết Thụy Sĩ đang có chương trình hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, dự kiến kéo dài 12 năm. Trước tiên, chương trình sẽ thúc đẩy phong trào sử dụng chai nước bằng thủy tinh thay vì chai nhựa tại các cơ sở lưu trú.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho rằng rác thải nhựa là thách thức chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, đối với du lịch, nếu chịu khó sáng tạo, thách thức có thể là cơ hội. "Chúng ta hoàn toàn có thể biến rác thành sản phẩm du lịch. Không khó để du khách tham gia các hoạt động biến rác thành sản phẩm du lịch" - ông Phan Xuân Thanh gợi ý.
Hội An không nên là điểm đến "hoành tráng"
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM, cho biết bà vui ít, lo nhiều khi thấy lượng khách đến Hội An ngày càng tăng cao. "Đối với Hội An, không thể dùng cách quảng bá như TP HCM mà phải có sự khác biệt. Hội An không nên là một điểm đến "hoành tráng" - bà Ninh lo ngại, đồng thời nhấn mạnh muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững thì phải giữ cho được di sản và bản sắc của địa phương.